- Tên khoa học: Mentha Arvensis Lin.
- Tên khác: chạ phiéc hom, nạt nặm (Tày), Bạc hà diệp, Bạc hà não, Bạc hà ngạnh, Bạc hà than, Nam bạc hà, Sao bạc hà, Tô bạc hà (Đông Dược Học Thiết Yếu), Bạc thiệt (Lữ Thầm Tự Lâm), Dịch tức hoa (Thực Vật Danh Nghĩa), Anh sinh, Bạt đài, Băng hầu úy, Đông đô, Kê tô, Thạch bạc hà (Hòa Hán Dược Khảo), Kim tiền bạc hà (Bản Thảo Cương Mục), Liên tiền thảo (Thiên Thật Đan Phương), Miêu nhi bạc hà (Ly Sàm Nham Bản Thảo), Nam bạc hà (Bản Thảo Diễn Nghĩa), Phiên hà, Phiên hà thái, Ngô bạc khá (Thiên Kim Phương - Thực Trị), Tẩu hà (Bản Thảo Mông Thuyên), Thăng dương thái (Trấn Nam Bản Thảo).
- Họ khoa học: Họ Hoa Môi (Lamiaceae).
Bạc hà là cây thảo nhỏ, có thân hình vuông, lúc đầu mọc bò lan mang rễ, sau đứng thẳng mang lá, màu lục hoặc tím tía. Lá mọc đối, có cuống ngắn, mép có răng cưa, mặt trên nhẵn, mặt dưới có ít lông.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành vòng gồm nhiều hoa nhỏ màu trắng hoặc tím hồng; đài hình chuông, 5 răng nhọn; tràng hợp phía dưới thành ống ngắn, phần trên chia 4 cánh, bên trong có lông; 4 nhị đều.
Quả bế ít gặp.
Mùa hoa quả: tháng 7 - 10.
Bạc hà có nhiều chủng khác nhau với hiệu suất cây trồng và tinh dầu cao. Ngoài ra, còn có cây bạc hà cay (bạc hà ngoại) được nhập trồng nhằm hỗ trợ cho việc sử dụng loài nội địa sẵn có.
Bạc hà phân bố chủ yếu ở vùng cận nhiệt đới châu Á.
Ở Việt Nam, cây mọc tự nhiên ở vùng núi cao có khí hậu ẩm mát như Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Nghệ An. Thường gặp tập trung thành đám nhỏ gần suối hay trong thung lũng. Cây đã được trồng phổ biến từ lâu ở những vùng khác nhau và đến nay đã có nhiều giống lai rất phong phú và đa dạng.
Cả cây bạc hà mang lá và hoa, tốt nhất là lúc hoa nỗ hoàn toàn. Một năm có thể thu hoạch 3 lứa từ tháng 6 đến tháng 10. Cây hái về đem dùng tươi hoặc tãi mỏng phơi chỗ râm mát và thoáng gió cho khô.
Có thể dùng cây khô cất kéo bằng hơi nước để lấy tinh dầu. Tinh dầu bạc hà là một chất lỏng không màu hoặc màu vàng nhạt, có mùi đặc trưng rất mạnh, vị cay, sau mát.
- Bạc hà có tác dụng thanh nhiệt, hóa đờm, tiêu sưng, giảm đau chữa ngoại cảm, sốt không ra mồ hôi, đau đầu, sổ mũi, viêm họng, ho, đau bụng, tiêu hóa kém, nôn mửa. Liều dùng hàng ngày: 4 - 8g lá hoặc toàn cây, tán nhỏ, hãm với nước sôi hoặc sắc uống lúc nóng. Nồi nước xông dân gian gồm bạc hà (20g), lá chanh lá bưởi, lá tre, hương nhu, cúc tần, sả (mỗi thứ 30g), tỏi (3 nhánh đập giập) là thuốc giải cảm, làm ra mồ hôi.
- Tinh dầu bạc hà được dùng làm cho thuốc thơm dễ uống và bào chế dưới dạng cồn thuốc (tinh dầu bạc hà 50g, lá bạc hà 50g, cồn vừa đủ 1 lít), mỗi lần uống 5 -10 giọt với nước nóng, ngày vài lần.
- Menthol, chiết xuất từ tinh dầu bạc hà, được dùng xoa bóp để giảm đau và sát khuẩn.
Chú ý: Người suy nhược gầy yếu, huyết áp cao, trẻ em dưới 1 tuổi không nên dùng bạc hà.
1. Chữa cảm, cúm, viêm họng, viêm mủi, ho, rát cô:
Bạc hà (30g), lá tràm (50g), lá đại bi (20g), kinh giới (l0g), hương nhu (l0g), hạt mùi (2g), an tức hương '(2g). Các dược liệu làm khô, cắt nhỏ, ngâm cồn 80° trong 10 - 15 ngày, thỉnh thoảng lắc đều. Chắt lấy cồn hòa an tức hương đã tán nhỏ. Lọc. Khi dùng, lấy nửa thìa cà phê thuốc cho vào một cốc, đổ nước sôi vào. Dùng xông và hít.
2. Dầu Nhị thiên đường chính đại:
Gồm tinh dầu bạc hà (950 ml), tinh dầu hương nhu (20 ml), tinh dầu long não (30 ml). Trộn đều, đóng lọ 5 ml.
3. Dầu Cửu Long:
Gồm tinh dầu bạc hà (235 ml), tinh dầu tràm (90 ml), tinh dầu hương nhu (25 ml), dầu lạc (650 ml). Trộn đều, đóng lọ 5 ml.
4. Trị mắt toét:
Bạc hà, ngâm với nước Gừng 1 đêm, sấy khô, tán bột. Mỗi lần dùng 4g, hòa với nước đã đun sôi, rửa mắt ((Minh Mục Kinh Nghiệm Phương).
5. Trị lao hạch hoặc nhọt độc gây đau, nhọt vỡ mủ:
Bạc hà 1 nắm to (20-30g), Tạo giáp 10 trái, (dài 1 xích 2 thốn), bỏ vỏ đen, tẩm dấm, nướng cho vàng, tán bột. Lấy 200ml rượu ngâm 3 đêm, phơi khô, lại tẩm 3 đêm, sấy khô, tán bột làm hoàn, to bằng hạt Ngô đồng, mỗi lần uống 20 viên trước bữa ăn, trẻ nhỏ giảm nửa liều (Bạc Hà Hoàn - Thánh Huệ Phương).
6. Trị chảy máu cam không cầm:
Bạc hà tươi, vắt lấy nước cốt, hoặc Bạc hà khô, lấy nước chưng lên, thấm vào vải (bông), nhét vào mũi (Bản Sự Phương).
1. Thành phần hóa học:
- Hoạt chất chủ yếu trong bạc hà là tinh dầu bạc hà. Tỷ lệ tinh dầu trong bạc hà thường từ0,5 đến 1%, có khi có thể lên tới 1,3-1,5%. Bằng phương pháp lựa chọn giống, Liên Xô cũ đã có những loại bạc hà đạt tới 5,2 đến 5,6% tinh dầu (tính trên cây, đã trừ độ ẩm). Ngoài tinh dầu, trong cây bạc hà còn có các flavonozit.
- Thành phần chủ yếu trong tinh dầu bao gồm những chất sau đây:
- Mentola C10H19OH có trong tinh dầu với tỷ lệ 40-50%, loài của Trung Quốc và Nhật Bản có thể lên tới 70-90%. Mentola ở trong tinh dầu chủ yếu ở trạng thái tự do nhưng một phần ở dạng kết hợp với axit axetic.
- Mentol C10H18O chừng 10 đến 20% trong tinh dầu bạc hà Trung Quốc.
2. Tác dụng dược lý:
- Tại chỗ, tinh dầu bạc hà và mentola bốc hơi rất nhanh, gây cảm giác mát và tê tại chỗ, dùng trong một số trường hợp đau dây thần kinh, còn có tác dụng sát trùng mạnh thường dùng trong một số trường hợp ngứa của một số bệnh ngoài da, bệnh về tai mũi họng. Tay nhiên cần biết rằng tinh dầu bạc hà và mentola bôi mũi hay bối trong cổ họng có thể gây hiện tượng ức chế có thể tới ngừng thở và tim ngừng đập hoàn toàn. Hiện tượng này hay xảy ra nhất là đối với trẻ con ít tuổi. Người ta đã nhận xét thấy một số trường hợp chết do nhỏ mũi 1 giọt dầu mentola 1% hoặc bôi vào niêm mạc mũi một ít thuốc mở có mentola. Do đó chúng ta cần hết sức thận trọng khi dùng tinh dầu hạc hà hay dầu cù là cho trẻ con ít tuổi, nhất là trẻ con mới đẻ.
- Bạc hà, tinh dầu bạc hà hay mentola uống với liều rất nhỏ có thể gây hưng phấn, xúc tiến sự bài tiết của tuyến mồ hôi, làm cho nhiệt độ cơ thể hạ thấp. Liều lớn, có tác dụng kích thích tuỷ sống, gây tê liệt phản xạ và ngăn sự lên men quá bình thường trong ruột.