- Tên khoa học: Paeonia lactiflora Pall.
- Tên khác: Mẫu đơn trắng
- Họ khoa học: Thuộc họ Mao Lương (Ranuncuaceae).
Cây thảo có rễ củ mập, dài, ruột màu trắng hoặc hồng nhạt. Thân hình trụ, nhẵn, cao 40 - 60cm. Lá mọc so le, có cuống dài, chia 3 – 7 thùy hình mác, gốc và đầu thuôn, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng, mặt dưới nhạt, mép nguyên.
Hoa to mọc đơn độc ở ngọn thân, cành, màu trắng, nhị vàng; lá đài 4, dai và tồn tại; cánh hoa 5 - 10, rộng và dài hơn lá đài; bầu có 3 - 5 noãn.
Quả gồm 3 - 5 đại chất dai; hạt nhiều, gần tròn.
Mùa hoa quả: Tháng 5 - 9.
Bạch thược phân bói ở vùng ôn đới ấm thuộc châu Âu, nhất là ở vùng Địa Trung Hải. Ở châu Á, có Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Triều Tiên. Ở Việt Nam, cây được nhập từ Trung Quốc vào những năm 70 và trồng ở những vùng có khí hậu mát, lạnh như Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt.
Rễ được thu hái từ cây bạch thược 3 - 5 tuổi vào tháng 6 - 9. Đem về, rửa sạch đất, cắt bỏ phần đầu rễ và rễ con, cạo bỏ vỏ ngoài, ngâm nước sôi hoặc đồ chín, vớt ra, lăn sửa cho tròn và thẳng, rồi phơi hoặc sấy khô. Không phơi dược liệu dưới nắng to hoặc sấy ở nhiệt độ cao để tránh rễ bị nứt nẻ hoặc cong queo. Có khi còn xông diêm sinh cho rễ thêm trắng.
Khi dùng, ngâm dược liệu vào nước cho mềm, ủ đến khi trong ngoài ướt đều, thái phiến rồi sao vàng. Có thể tẩm dược liệu vối rượu hoặc sao khô sém để dùng.
+ Paeoniflorin, Paeonol, Paeonin, Trierpenoids, Sistosterol (Trung Dược Học).
+ Tinh bột, Tanin, Nhựa, Calci oxalat, 1 ít tinh dầu, Chất béo, Acid Benzoic (1,07%), Paeoniflorin, Glucosid Thược dược (C22H28O11) (Trung Dược Ứng Dụng Lâm Sàng).
+ Paeoniflorin, Oxypaeoniflorin, Benzoylpaeonilorin (Vu Tân, Dược Học Học Báo 1985, 20 (10): 782).
+ Albìlorin (Kanede M và cộng sự, Tetrahedron 1972, 28 (16): 4309).
+ Paeoniflorigenone(Shimizu Mineo và cộng sự, Tetra Lett 1981, 22 (23): 3069).
+ Galloylpaeoniflorin (Kan Sam Sik và cộng sự, C A 1989, 111: 160062k).
Nước sắc từ rễ bạch thược có tác dụng ức chế ở nồng độ thấp và hưng phấn ở nồng độ cao; nếu thêm cam thảo, dung dịch lại gây kích thích ở liều thấp và ức chế ở liều cao. Nước sắc này còn có tác dụng kháng khuẩn đối với khuẩn trùng tả lỵ, tụ cầu, phế cầu, trực trùng bạch hầu.
Bach thươc có vị đắng chua, hơi chát, vào 3 kinh can, tỳ, phế, có tác dụng bình can, chỉ thống, dưỡng huyết, điều kinh, liễm âm, chỉ hàn, tiêu viêm, làm mát, lợi tiểu.
Trong y học cổ truyền, bạch thược được dùng với tác dụng dưỡng huyết, điều kinh, giảm đau, tiêu viêm, làm mát, lợi tiểu, chữa đau bụng, đau ngực, chân tay tê mỏi, nhức đầu, choáng váng, thổ tả, kiết lỵ, kinh nguyệt không đều, bạch đới, ra mồ hôi trộm, đái khó.
Liều dùng hàng ngày: 5 – 10g dưới dạng nước sắc hoặc tán bột uống.
1. Chữa kinh nguyệt không đều, băng huyết, rong kinh:
Bạch thược (20g), lá trắc bá (12g, sao đen). Hai vị thái nhỏ, phơi khô, sắc vói 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày (Nam dược thần hiệu).
2. Chữa đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, bế kinh:
Bạch thược (16g), đương quy (12g), thục địa (12g), xuyên khung (8g), sắc uống ngày một thang.
3. Chữa đau vùng thượng vị, đầy bụng, ợ hơi:
Bạch thược (16g), sài hồ (12g), chỉ xác (8g), xuyên khung (8g), hương phụ (8g), thanh bì (8g), cam thảo (6g). Tất cả phơi khô, sắc uống trong ngày.
4. Chữa đau nhức 2 chân và đầu gối khó co duỗi, đau bụng, tiểu đường, háo khát:
Bạch thược (16g), cam thảo (8g). Sắc hoặc tán bột uống.
5. Trị Can âm bất túc gây ra đầu váng, hoa mắt, tai ù, cơ run giật, chân tay tê:
Bạch thược, Toan táo nhân mỗi thứ (20g), Đương Qui, Thục Địa mỗi thứ (16g), Mạch Môn (12g), Xuyên khung, Mộc qua mỗi thứ (8g), Cam thảo (4g), Sắc nước uống (Bổ Can Thang - Y Tông Kim Giám).
6. Trị bụng đau lúc hành kinh:
Bạch thược, Đương qui, Hương phụ, mỗi thứ 8g, Thanh bì, Sài hồ, Xuyên khung, Sinh địa mỗi thứ 3,2g, Cam thảo 2g. Sắc uống (Dưỡng Huyết Bình Can Tán - Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
7. Trị băng lậu hạ huyết, Rong kinh, ốm yếu gầy mòn:
Bạch thược, Thục địa, Can khương, Quế lâm, Long cốt, Mẫu lệ, Hoàng kỳ, Lộc giác giao, mỗi thứ 8g, tán bột, uống mỗi lần 8g ngày 3 lần với rượu nóng trước khi ăn, hoặc uống với nước sôi (Bạch Thược Dược Tán - Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
8. Trị có thai đau bụng lâm râm:
Đương qui, Xuyên khung mỗi thứ 6g, Bạch Thược 20g, Phục linh, Bạch truật mỗi thứ 8g, Trạch tả 10g, tán bột uống lần 8g ngày 3 lần với rượu hoặc sắc uống (Đương Qui Thược Dược Tán - Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
Bạch truật sao khử thổ 12g, Bạch thược sao 8g, Trần bì 6g, Phòng phong 8g, sắc uống (Thống Tả Yếu Phương - Đan Khê Tâm Pháp).
1. Cách bào chế bạch thược ở Tứ Xuyên, Trung Quốc:
Dùng một nồi hoặc chảo to, đổ nước đã đun sôi vào, bỏ rễ Bạch thược vào cho ngập hết Rễ, không được cho rễ vào quá nhiều, nước không đủ ngập. Sau đó loại rễ to đun khoảng 10-15 phút, nếu đun quá lâu sau này cạo bỏ vỏ sẽ hao phí nhiều, nhưng nếu đun rễ chưa chín lượng dược liệu giảm. Thường người ta xác định độ chín khi luộc bằng cách khi chưa luộc có mùi tanh của đất, vị đắng nhưng khi chín có mùi thơm, bớt đắng. Có thể dùng móng tay bấm được là chín. Luộc xong vớt ra ngay cho vào nước nguội để khỏi chín quá, sau dễ bóc vỏ. Cạo vỏ bằng cách dùng thanh tre cật vót cạo hết lớp vỏ ngoài cho đến lớp vỏ trắng. Khi cạo vỏ phát hiện có những chỗ sâu bệnh cần gọt vỏ, và phải cạo nhẹ tay để lớp vỏ bỏ đi không bị hao hụt nhiều. Cạo vỏ xong, cắt bỏ đầu đuôi, cắt thành khúc dài 10-13cm rồi xếp thẳng đem phơi (Trung Dược Đại Từ Điển).
Phơi rễ chia làm 3 giai đoạn:
- Phơi nhiều, ủ nhiều: rải Bạch thược ra chiếu, hoặc phân đan phơi nắng cứ 20 phút trở một lần, đến giờ chiều đem vào xếp thành đống trên phủ chiếu, ngày mai lại đem phơi, tối lại ủ, phơi ủ như vậy 4-5 ngày là xong, và chuyển sang giai đoạn hai.
- Phơi ít, ủ nhiều: Hàng ngày đến 9 giờ mới đem phơi, 3 giờ chiều cất vào ủ. Khi ủ đối với loại rễ to và trung bình thì phải ủ chiếu kín hoặc bao tải. Khi phơi cứ 30-40 phút trở một lần và ủ thấy rễ mềm ra lại đem phơi, cứ như vậy 8-10 ngày là xong và chuyển sang giai đoạn 3.
- Phơi ngắn ủ dài: Mỗi ngày chỉ phơi 2-4 giờ, cách 40 phút trở 1 lần, còn ủ như trên nhưng phải ủ 3-4 lớp bao tải, ủ cho đến khi lớp vỏ ngoài của rễ ướt lại, sau đó đem phơi cho đến khi lớp vỏ thật khô, bấm móng tay không được nữa mới thôi. Theo cách chế biến này thì ngày mùa hè phơi ít ủ nhiều, ngàu mùa thu phơi nhiều ủ nhiều, ủ cho rễ mềm ra lại phơi, phơi xong rễ còn đang nóng ủ luôn, nếu chỉ phơi không ủ thì bên ngoài rễ khô, bên trong còn ướt, để biến sang vị chua không dùng làm thuốc được, hoặc bên ngoài vỏ biến thành đỏ chất lượng kém.
2. Cách bào chế của Sơn đông, Trung Quốc:
Dùng dao tre cạo vỏ ngoài cho thật trắng nhưng không rửa nước để rễ không biến thành màu nâu hoặc đen. Cạo vỏ xong ngâm rễ ngập trong nước giếng nửa ngày rồi mới luộc, ngâm rễ ngày nào thì luộc rễ ngày đó. Ở Tứ Xuyên có nơi ngâm nước giếng pha trộn 50% nược sông thêm loại rễ nhỏ Bạch thược đã gĩa nát, hoặc dùng bột ngô hòa với nước để ngâm rễ Bạch thược, ngâm như vậy rễ giữ được màu (Danh Từ Dược Vị Đông Y).
Luộc: Đun nước sôi đổ rễ Bạch thược vào, đun khoảng 15-20 phút, khi thấy rễ mềm, vặn cong được hoặc lấy rễ thấy bốc hơi, khô nhanh thì vớt ra. Mỗi chảo nước chỉ luộc 2-3 mẻ rồi phải thay nước mới. Sau đó cắt bỏ đầu đuôi, chia thành loại to, nhỏ, cắt ra thành khúc đem phơi.
Phơi: Luộc xong rải ra chiếu phơi ngay, cách 5-10 phút đảo 1 lần sau 1-2 giờ lấy chiếu cuộn lại phủ chiếu lên trên, khi thấy rễ nguội lại tiếp tục rải ra phơi, phơi trong 3 ngày buổi trưa nắng gắt phủ chiếu lại cho mát. Phơi cho đến khi gõ rễ nghe tiếng kêu thanh thanh, chất thành đống đem ủ 2-3 ngày lại phơi tiếp 1-2 ngày cho tới khi thật khô, phơi vậy vỏ không bị co lại và không chuyển qua màu hồng (Danh Từ Dược Vị Đông Y)
Bảo quản:
Dược liệu chưa bào chế thì cần phải sấy Lưu huỳnh, khi đã bào chế rồi thì cần phải để nơi khô ráo, tránh ẩm.