Đương quy, bổ huyết, tốt cho sức khỏe phụ nữ

16/02/2020, 19:34 PM
  • Chia sẻ
  • zalo

Đương quy là cây thuốc quý có vị ngọt hơi đắng, hơi cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh, thông kinh, dưỡng gân, tiêu sưng, nhuận tràng.

─────

A. TÊN GỌI

- Tên thường gọi: Đương quy

- Tên khoa học: Angelica sinensis (Oliv) Deils

- Tên khác:  Đương quy tàu, Vân quy, Tần quy 

- Họ khoa học: Apiaceae.

─────

B. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN

Chúng ta thường nhắc đến về một loài thảo dược có tên Đương quy, nhưng ít người biết rằng đương quy có 2 loại: Đương quy Trung Quốc và đương quy Nhật Bản. Sau đây là đặc điểm tự nhiên của từng loại:

1. Đương quy Trung Quốc (angelica sinensis):

- Cây thảo lớn, sống lâu năm, cao 40 – 60cm, có thể đến 1m khi cây có hoa. Thân hình trụ, có rãnh dọc, màu tím. Lá mọc so le, xẻ lông chim 3 lần, gốc phát triển thành bẹ to, đầu nhọn, lá chét phía dưới có cuống, lá chét gắn đầu lá không cuống, mép chia thùy và răng cưa không đều.

- Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành tán kép gồm 12 – 20 tán, dài ngắn không đều, hoa nhỏ màu lục nhạt.

- Quả bế dẹt, có rìa màu tím nhạt. Toàn thân nhẵn và có mùi thơm đặc biệt. Mùa hoa quả: tháng 7 – 8.

2. Đương quy Nhật Bản (angelica acutiloba):

- Cây thảo lớn, sống nhiều năm, cao 40- 80cm, không lông. Lá mọc so le, ở phía dưới có cuống dài 10 – 30cm, gốc có bẹ ngắn dạng máng, xẻ lông chim 1 – 2 lần, lá chét phân thùy hình mác dài 2 – 7cm, rộng 1 – 3m, có cuống ngắn hoặc không cuống, các thùy lại phân nhỏ, gốc hình nêm, đầu nhọn, mép có răng to sắc, lá ở phía ngọn tiêu giảm.

- Cụm hoa là tán kép, có cuống dài 5 – 20cm, gồm 25- 40 tán, tổng bao và tiểu bao giống nhau có lá bác dạng sợi, hoa nhỏ màu trắng lục nhạt, đài không có răng, tràng 5 cánh lõm ở dấu, nhị 5, bầu hình chóp ngược, có gân lồi.

- Quả bế đôi, hơi dẹt, có cạnh và gân lồi, gân ở mép rộng dạng cánh.

 

Cây đương quy Nhật Bản

─────

C. PHÂN BỐ, SINH THÁI

- Chi Angelica L. có khoảng 70 loài, phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới Bắc bán cầu và New Zealand.

- Đương quy có nguồn gốc ở vùng ôn đới, Trung Quốc là nước có lịch sử trồng cây đương quy rất lâu đời, tiếp đó là Nhật Bản và Bắc Triểu Tiên. Đương quy thích hợp với khí hậu ẩm mát, đến mùa đông toàn bộ phần trên mặt đất tàn lụi, phần củ dưới mặt đất chịu đựng được băng tuyết và mọc lại vào mùa xuân năm sau.

- Ở Việt Nam, cây được di thực về trồng ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Lâm Đồng, khi trồng cũng cần phải lựa chọn thời vụ, sao cho mùa gieo hạt và sinh trưởng của cây trùng với thời gian có nhiệt độ thấp nhất trong năm.

- Vùng đồng bằng cây ra hoa quả sớm hơn ở vùng núi cao (trên 1500m), những hạt giống này không được dùng đế sản xuất dược liệu. Đó là những lưu ý khi lựa chọn vùng đất trồng đương quy thích hợp ở Việt Nam.

 

Lá cây đương quy

─────

D. BỘ PHẬN DÙNG

- Rễ đương quy trồng được 3 tuổi, đào vào mùa thu, cắt bỏ rễ con, bổ thành bó nhỏ, xếp lên giá, đốt xông nóng (không đốt trực tiếp), cho đến khi dược liệu có màu đỏ tươi hay màu vàng kim tuyến, rồi sấy than. Theo kinh nghiệm nhân dân Trung Quốc, không phơi chỗ râm mát (đương quy có màu xanh) và cùng không phơi nắng (mất tinh dầu).

- Đương quy được phân thành nhiều loại:

+ Quy đầu: Phần đầu của rễ chính, đường kính 1,5 – 4cm, đầu tù và tròn, còn mang vết tích của lá;

+ Quy thân: Rễ đã loại bỏ phần đầu và đuôi;

+ Quy vĩ: Rễ phụ hay rễ nhánh, đường kính 0,3 – 1cm và toàn quy gồm cả rễ cái và rễ phụ.

- Rễ to, thịt chắc, dẻo màu trắng hồng, nhiều tinh dầu, có mùi thơm đặc biệt, vị ngọt sau cay, là loại tốt.

─────

E. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

1. Đương quy Trung Quốc chứa:

Tinh dầu 0,2 – 0,4%: tinh dầu đương quy là chất lỏng màu vàng sẫm, tỷ trọng ở 150 oC là 0,955; Coumarin; Polysachrid; Acid amin; Acid hữu cơ; Polyacetylen; Sterol; Vitamin B1,B12,E; Nguyên tố vi lượng: Mg, ca, nhôm, Cr, Đồng, kẽm…Thành phần khác: brefeldin.

2. Đương quy Nhật Bản:

Tinh dầu ở rễ là 0.26%; Lá đương quy Nhật Bản trồng ở Thanh Trì (Hà Nội) chứa 0,6 – 0,7% tinh dầu (so với khối lượng khô tuyệt đối); Lá đương quy Nhật Bản trồng ở Thái Nguyên chứa 0,64 – 0,88% tinh dầu; Coumarin; Polysachrid; Acid amin; Polyacetylen; Sterol.

─────

F. TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

1. Đương quy Trung Quốc có tác dụng:

Bài thuốc Tứ vật trong đương quy Trung Quốc đã được nghiên cứu trên bệnh thiếu máu thực nghiệm gây bằng acetat chì, có tác dụng làm tăng số lượng hồng cầu và tỷ lệ huyết sắc tố của động vật gây thiếu máu.

2. Đương quy Nhật Bản di thực trồng ở Việt Nam có tác dụng:

- Có hoạt tính trên chức năng nội tiết sinh dục động vật cái, gây tác dụng kiểu oestrogen và progesterone yếu.

- Rễ và lá có tác dụng hướng sinh dục yếu trên chuột cống trắng cái non, tác dụng này không ổn định. Dược liệu không có tác dụng hướng sinh dục yếu trên chuột cống đực non.

- Rễ và hạt gây tăng trương lực và biên độ co bóp tử cung cô lập và tại chỗ của động vật thí nghiệm.

- Rễ có tác dụng tăng lực rõ rệt trong thí nghiệm chuột nhắt trắng bơi gắng sức.

- Rễ có tác dụng tăng sức đề kháng cơ thể động vật trong thí nghiệm gây độc với amoniac một cách rõ rệt.

- Rễ có tác dụng chống viêm đối với cả 2 giai đoạn cấp và mạn tính của phản ứng viêm thực nghiệm và không có tác dụng gây thu teo tuyến ức chuột non.

- Như vậy, đương quy có đặc điểm tác dụng chống viêm tương tự các thuốc chống viêm phi steroid, tác dụng chống viêm không kèm theo tác dụng ức chế miễn dịch.

- Độc tính cấp tính của rễ và hạt đương quy rất thấp. Rễ có độc tính cấp tính thấp hơn so với hạt.

─────

G. TÍNH VỊ

Đương quy có vị ngọt hơi đắng, hơi cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh, thông kinh, dưỡng gân, tiêu sưng, nhuận tràng.

─────

H. CÔNG DỤNG

Đương quy là vị thuốc dùng rất phổ biến trong đông y, là đầu vị trong thuốc chữa bệnh cho phụ nữ, đồng thời được chỉ định trong nhiều đơn thuốc bổ và trị bệnh như thuốc chữa thiếu máu, đau đầu, cơ thể gầy yếu, suy tim, mệt mỏi, đau lưng, đau ngực bụng, viêm khớp, chân tay đau nhức lạnh, tê bại, tê liệt, đại tiện táo bón, mụn nhọt lở ngứa, tổn thương ứa huyết, kinh nguyệt không đều, đau kinh, bể kinh (uống trước khi thấy kinh 7 ngày). Ngày uống 10 – 20g, dạng thuốc sắc hoặc rượu thuốc.

 

Củ đương quy Nhật Bản

Trong Y học cổ truyền Trung Quốc và Nhật Bản, đương quy được dùng điều trị kinh nguyệt không đều, huyết ứ trệ, đau kinh, bể kinh, sa tử cung, chảy máu, phong thấp, mụn nhọt, táo bón, hói đầu, thiếu máu, lao phổi, tăng huyết áp, ung thư và làm thuốc giảm đau, chống co giật, làm ra mồ hôi, kích thích ăn ngon cơm. Phụ nữ uống nước sắc đương quy vài ngày tới trước khi đẻ sẽ dễ đẻ và giảm đau khi đẻ.

─────

I. NHỮNG BÀI THUỐC LIÊN QUAN

Những phương thuốc cổ phương của Hải Thượng Lãn Ông có đương quy:

1. Chữa thiếu máu, cơ thể suy nhược, kinh nguyệt không đều, sau khi để máu, mồ hôi chảy mãi không hết (bài thuốc Tứ vật thang)

a. Đương quy 16g, thục địa 12g, bạch thược 8g, xuyên khung 6g, nước 600ml. Sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.

b. Đương quy 20g, thục địa 10g, bạch thược 20g, xuyên khung 15g.

Đối với phụ nữ sau khi đẻ xong bị bệnh nhiều, có thể dùng bài Tứ vật nói trên, thêm hoắc can khương, đậu đen, trạch lan, ngưu tất, ích mẫu, bổ hoàng.

2. Chữa phụ nữ rong kinh, rong huyết, có thai ra máu hoặc xảy thai ra máu không dứt (Giao ngải thang) 

Đương quy 12g, sinh địa 12g, bạch thược 16g, xuyên khung 8g, a giao 8g, cam thảo 8g, ngải diệp 8g. Sắc uống.

3. Chữa các chứng uất, ngoại cảm, phụ nữ nóng rét không khỏi (bát vị tiêu giao tán)

Đương quy, bạch truật, bạch thược, bạch linh, sài hồ, bạc hà, chích thảo, mỗi vị 4g, đơn bì 2,8g, chi tử 2,8g. Sắc uống trong ngày.

4. Chữa huyết nhiệt, táo bón (Nhuận táo thang)

Đương quy, thục địa, đại hoàng, cam thảo, đào nhân, mỗi vị 4g, sinh địa 3g, thăng ma 3g, hồng hoa 1g. Sắc uống.

5. Chữa răng lợi, môi miệng sưng đau, chảy máu (Thanh vị tán).

Đương quy, sinh địa mỗi vị 1,6g, thăng ma 2g, hoàng liên 1,2g, mẫu đơn 1,2g, thêm thạch cao, nếu đau nhiều. Sắc uống.

6. Chữa ngoại cảm trong lạnh ngoài nóng, sợ rét, không khát, chân tay lạnh, ỉa chảy ra phân sống (Ngũ tích tán).

Đương quy, nhục quế, bạch linh, bạch chỉ, xuyên khung, bạch thược, cam thảo, mỗi vị 12g, bán hạ 8g, cát cánh 6g, thương truật 3g, trần bì 3g, can khương 2g, hậu phác 1,6g. Sắc uống.

─────

Hải thượng lãn ông đã sáng chế những bài tán phương có đương quy sau đây:  

1. Thông tang phương, chữa ra mồ hôi trộm, đêm mất ngủ, ăn ít, hơi thở ngắn.

Đương quy (rửa rượu) 20g, thục địa (nướng) 12g, liên nhục (sao) 12g, bạch thược (sao mật) 12g, nhân sâm (sa0) 6g, phục thần 6g, đơn sâm (rửa rượu) 4g, mẫu đơn (sao rượu) 4g, a giao (sao phồng) 4g, cao quy bản 10g, ngũ vị (sao mật) 15 hạt. Sắc uống.

2. Bình can khí hòa can huyết thanh, chữa đau nhức hông sườn, khó trở mình và phong nhiệt úng bế, trên đầu xây xẩm, đau mắt, chảy nước mắt:

Đương quy, thục địa, bạch thược, mỗi vị 8g, sinh địa 12g, đan sâm 6g, sơn thù 4g, táo nhân (sống) 4g, ngô thù (tẩm hoàng liên sao) 4g, đơn bì (tẩm rượu) 4g, quế mỏng 2,8g. Sắc uống.

3. Hòa can ôn thận thang, chữa đau sưng tinh hoàn và rút gân:

Đương quy 12g, bạch thược 10g, đơn bì 4g, sài hồ 4g, chi tử (sao đen) 4g, độc hoạt 4g, bạch truật (sao mật) 4g, xuyên khung 3,2g, ô dược (sao) 2g, ngô thù (sao mật rượu) 2,8g, quất hạch (bỏ vò sao) 2,8g, tiểu hồi 1,2g. Sắc uống.

4. Hậu thiên lục vị phương, chữa gầy yếu, sốt về chiều mất ngủ, ra mồ hôi trộm, thiếu máu:

Đương quy 20g, thục địa 40g, nhân sâm 12g, đan sâm 8g, viên chí 4g, táo nhân (sao đen) 4g, táo, gừng sống. Sắc uống.

5. Lương huyết tán tà phương, chữa cảm mạo, sốt cao, nhức đầu, đau mình, khát nước, tiểu trên đỏ, hoặc sót nóng đã lâu mà không khỏi. 

Đương quy 8g, sinh địa 12g, bạch thược 6g, xuyên khung 4g, đan sâm 4g, mẫu đơn 4g, huyền sâm 4g, sài hồ 4g, bạc hà 3,2g, chích thảo 2g, gừng nướng 3 lát. Sắc uống.

6. Gia vị tứ vật thang, chữa đại tiện táo cần xổ để hạ nhiệt, dùng cho người huyết hư gầy khô.

Đương quy 4g, sinh địa 20g, bạch thược 12g, xuyên khung 8g (nóng nhiều thì giảm đi), đại hoàng (tẩm rượu) 4g, chỉ xác 4g. Sắc uống.

7. Bổ tỳ âm phương, thuốc bổ tì vị chữa bệnh suy yếu:

Đương quy 40g, thục địa 12g, bạch truật (tẩm sữa sao) 8g, nhục thung dung (tẩm rượu nóng) 4g, ngưu tất 2g. Sắc uống.

8. Dưỡng tuyết tán tà thang, chữa cảm hàn hoặc phụ nữ bị cảm trong khi có kinh hay sau khi đẻ.

Đương quy 8g, bạch thược 6g, trần bì 12g, sài hồ 12g, cam thảo 4g, gừng 3 lát. Sắc uống.

9. Song bổ tán tà thang, chữa sốt rét cơn đã lâu mà bị cảm:

Đương quy, bạch truật, mỗi vị 8g, bạch thược 6g, chích thảo 4g, sài hồ 8 – 12g. Sắc uống.

10. Phù dương tán tà thang, chữa cảm hàn, mình tuy nóng nhưng rất sợ rét, nôn mửa, chân tay lạnh:

Đương quy (ỉa lỏng thì thay bằng hoài sơn), ma hoàng, mỗi vị 12g, nhân sâm 8g, thục địa 20g, bạch truật 20g, chích thảo 4g, sài hồ 16g, nhục quế 8g, can khương 8g, gừng sống 3 lát. Sắc uống.

11. Trợ âm tán tà thang, chữa cốt đau mình, nhức đầu, mặt đỏ, lưỡi khô mà không khát nước, mình nóng mà ưa ấm.

Đương quy 12g, thục địa 20g, chích thảo 8g, can khương 8g, nhục quế 8 – 12g. Sắc uống.

12. Ma quế thang, chữa bệnh sốt sợ rét, nhức đầu đau mình, không ra mồ hôi:

Đương quy, chích thảo, mỗi vị 8g, ma hoàng 8- 12g, quan quế 12g, trần bì 4g, gừng sống 3 lát. Sắc uống.

13. Tán kết cứu tang thang, chữa đau rát ở bụng dưới, xung quanh rốn kéo lên hông: 

Đương quy, nhân sâm, cam thảo phu tử chế, mỗi vị 40g, bạch truật 20g, nhục quế 2g. Sắc uống.

14. Vi dưỡng tâm can phương, chữa trẻ em cảm mạo phát sốt, lở ngứa, mình đỏ, sưng thóp, cứng đầu co cứng, đơn sưng, đơn chảy, ra máu (gia giảm theo chứng)

Đương quy, sa sâm, mỗi vị 4g, sinh địa 8g, bạch thược 3,2g, xuyên khung 1.6g, tiêu khương 1,2g, cỏ bắc 10 sợi. Sắc uống.

15. Hòa huyết khai uất phương chữa phụ nữ đau sóc, hóng sườn, tay chân lạnh:

Đương quy, xuyên khung, mỗi vị 12g, hương phụ 6g, thanh bì 4g, long đởm thảo 4g, chỉ xác 4g, chích thảo 4g, tân lang 2g, tiêu khương 2g, phụ tử chẽ 1,2g, mài thêm trầm hương vào thuốc mà uống.

16. Nhận cơ cao, chữa bỏng và lở loét chảy mũ, sẽ bớt đau và sinh da: 

Đương quy, hoàng kỳ, mỗi vị 80g, sáp ong 60g, hoàng đơn 40g, dầu vùng 16g. Dán ngoài.

─────

Những bài thuốc khác:

1. Dưỡng não hoàn, chữa mất ngủ, nhức đầu, ngủ hay mê:

Đương quy 100g, viễn chí 40g, xương bồ 40g, táo nhân 60g, ngũ vị 60g, khởi tử 80g, đởm tinh 40g, thiên trúc hoàng 40g, long cốt 40g, ích trí nhân 60g, chu sa 40g, hồ đào nhục 80g, bá tử nhân 60g, chu sa 40g, hồ đào nục 80g. Tất cả tán thành bột, thêm mật ong vào, làm viên 4g. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 viên. Uống trong 15 ngày liền.

2. Chữa thiếu máu, xanh xao, kinh nguyệt không đều:

Đương quy, thục địa, mỗi vị 12g. Sắc uống.

3. Đương quy kiện trung thang, thuốc bổ máu, dùng cho phụ nữ bị thiếu máu sau khi đẻ:

Đương quy 8g, quế chi, sinh khương, đại táo, mỗi vị 6g, bạch thược 10g, đường phèn 50g, nước 600ml. Sắc lấy 200ml, thêm đường, chia làm 3 lần uống trong ngày.

4. Chữa chảy máu cam không ngừng:

Đương quy sao khô tán nhỏ, mỗi ngày dùng 2 – 3 lần, mỗi lần 4g. Dùng nước cháu chiêu thuốc.

5. Chữa viêm quanh khớp vai, vai và cánh tay đau nhức không giơ tay lên được:

Đương quy 12g, ngưu tất 10g, nghệ 8g. Sắc uống. Kết hợp với luyện tập hàng ngày giơ tay lên cao lên dần.

6. Điều trị sa sinh dục:

Đương quy 10g, đảng sâm 12g, bạch truật 10g, sài hồ 8g, thăng ma 12g, trần bì 6g, tục đoạn 10g, quất hạch 10g, cam thảo 4g. Sắc uống mỗi ngày một thang.

─────

Các đơn thuốc dùng theo phương pháp Trung Quốc:

1. Chữa tăng huyết áp và các triệu chứng như tim đập nhanh, ra mồ hôi, ứ trệ ở các mạch ngoại vi, nước da xanh tím, tê các ngón tay, ngón chân.

Đương quy 31g, ngưu tất 25g, sinh địa 31g, mạch môn 31g, tri mẫu 10g, long đởm 31g, lô hội 15,5g, vân mộc hương 6g, xạ hương 1,5g, chi tử 31g, hoàng liên 31g, hoàng cầm 31g, hoàng bồ 31g, đại hoàng 15,5g, hà thủ ô đỏ 15,5g, thạch cao 31g. Tán bột, cho thêm mật ong làm thành viên 0,5g. Uống mỗi lần 4 viên, ngày 3 lần. Nên ăn thức ăn có gừng.

2. Chữa tăng huyết áp ở bệnh nhân có giãn tim, chóng mặt, khó thở, ra mồ hôi, có triệu chứng ứ trệ máu

Đương quy 10g, sinh địa 10g, phục linh 6g, thạch xương bồ 6g, ngũ vị tử 10g, mạch môn 15g, táo chua (quả) 10g, chi tử 3g, huyền sâm 10g, cúc hoa 6g, hà thủ ô đỏ 15g, cam thảo 6g, đảng sâm 6g. Sắc với 800ml nước, còn 300ml. Uống làm một lần trong ngày.

3. Chữa tăng huyết áp ở bệnh nhân có bệnh thận:

Đương quy 10g, vỏ trai 15,5g, sinh địa 10g, đẳng sâm 10g, trắc bách (hạt) 15,5g, táo chua (quả) 15,5g, phục linh 15,5g, vân mộc hương 6g, hoàng liên 3g. Cho 800ml, sắc còn 300ml. Chia 3 lần uống trong 3 ngày.

4. Chữa xuất huyết não do xơ cứng mạch máu kèm theo liệt nửa người và mất tiếng hoàn toàn hoặc không hoàn toàn:

Đương quy 6g, hoàng kỳ 15,5g, long đởm thảo 10g, sinh địa 15,5g, bạch thược 6g, hạt mơ 10g, hồng hoa 3g, cát cánh 3g, cam thảo 3g, phòng phong 3g. Sắc, chia 3 lần uống trong ngày. Uống trong 2 – 3 tháng.

5. Chữa suy nhược tâm thần với những hiện tượng tim đập nhanh, thở hổn hển:

Đương quy 1.562g, hoàng lien 781g, sinh địa 1562g, thủy xương bồ 781g, nhân sâm 781g, táo chua (hạt) 1562g, huyền sâm 781g, phục linh 781g, đan sâm 781g, cát cánh 781g, viễn chí 781g, ngũ vị tử 1562g, thiên môn đông 1562g, cam thảo 781g, mạch môn 1562g. Tổng cộng: 16401g. Tán bột và làm thành viên hoàn, mỗi viên nặng 9375g. Mỗi lần uống 1 viên, ngày 2 lần, với nước nóng.

6. Chữa suy nhược tâm thần: 

Đương quy, nhân sâm, bạch truật, phục linh, cam thảo, viễn chí, xà sang, phụ tử chế, mỗi vị 6g, toan táo nhân 9g, khởi tử 9g, bạch chỉ 9g. Sắc, chia 3 lần uống trong ngày.

7. Chữa thiếu máu:

Đương quy 9g,  bạch thược 6g, sinh địa 9g, xuyên khung 5g. Sắc với 400ml nước trong 15 phút, mỗi lần uống 150ml, ngày 2 lần.

8. Chữa suy nhược tâm thần với các triệu chứng chóng mặt, mệt lả, mất trí nhớ, mất ngủ:

Đương quy 20g, xuyên khung 10g, viễn chí 15g, phục linh 20g, sinh địa 20g, tục tùy tử (quả) 15g, mạch môn 15g, khởi tử 20g, cúc hoa 20g, hoàng bá 10g, nhân sâm 10g, toan táo nhân 25g, bạch truật 15g. Sắc, chia 2 lần uống trong ngày.

9. Chữa suy nhược tâm thần với các biểu hiện trầm cảm và mệt mỏi nhiều:

Đương quy 25g, nhân sâm 5g, bạch thược 15g, bạch truật 15g, phục linh 15g hoàng kỳ 25g, vân móc hương 5g, cam thảo 7,5g, tục tùy tử (quả) 50g, toan táo nhân 20g, viên chí 7,5g, ngũ vị tử 5g. Sắc, chia 2 lần uống trong ngày.

10. Chữa suy nhược thần kinh với các triệu chứng mất ngủ, chóng mặt, nhức đầu:

Đương quy, mạch môn, khởi tử, sinh địa, mỗi vị 50g, phục linh 25g, viễn chí 20g, toan táo nhân 100g, hạt sen 25g, nhân sâm 20g, huyền sâm 25g, ngũ vị tử 25g, địa liền 20g. Tán bột, trộn với mật ong, làm thành viên hoàn, mỗi viên 15g. Mỗi lần uống 1 viên, ngày 2 lần, với nước nóng.

11. Chữa lao phổi:

Đương quy, sinh địa, nhân sâm, phục linh, bạ mơ, bạch thược, dầu hạt mơ, quả táo chua, cam thảo, mỗi vị đều 1g, ngũ vị tử 5g. Sắc và chia 2 lần uống trong ngày.

12. Chữa các bệnh trùng roi:

Đương quy 10g, bạch thược 6g, xích thược 6g, đỗ trọng 10g, sinh địa 10g, trần bì 3g, hoạt thạch 12g, bối mẫu 12g, xuyên khung 6g. Ngâm trong 500ml rượu 40oC trong 7 ngày. Mỗi lần uống 20ml, ngày 2 lần.

13. Chữa bệnh cứng bì:

Đương quy 3g, dây đau xương 3g, hoàng kỳ 3g, tần cửu 3g, đào nhân 3g, hồng hoa 3g, bạch truật 3g. Sắc với 400ml nước trong 30 phút, chia uống làm 3 lần trong ngày.

14. Chữa bệnh bạch biến:

Đương quy 10g, sinh địa 16g, tri mẫu 10g, xuyên khung 10g, bạch thược 10g, hậu phác 10g, trần bì 6g. Khi có chứng bạc tóc, bạc râu, gia thêm hà thủ ô đỏ 9g, đảng sâm 12g. Tán bột, làm thành viên 0,6g, mỗi lần uống 15 viên, ngày 3 lần.

15. Chữa thiếu máu với các triệu chứng giảm trí nhớ, mất ngủ, bệnh về niêm mạc:

Đương quy 50g, nhân sâm 25g, phục linh 25g, huyền sâm 25g, cát cánh 25g, viễn chí 25 g, sinh địa 200g, ngũ vị tử 50g, mạch môn 50g, thiên môn 50g, đan sâm 50g, toan táo nhân 50g, trắc bách (hạt) 50g. Tán nhỏ, trộn với mật ong, làm thành viên hoàn 15g, mỗi lần uống 1 viên, ngày 2 lần.

16. Chữa ung thư các cơ quan đường tiêu hóa, ung thư vú, ung thư tử cung trong giai đoạn đầu của bệnh:

Đương quy 10g, bạch thược 10g, vân mộc hương 3,3g, phụ tử chế 16,5g, đinh hương 3,3g, gừng 10g.

Lương phụ tử chế nêu trên được đun sôi riêng với nước trong 2 giờ (bỏ phụ tử vào nước đã sôi và đun sôi tiếp). Nước sắc thu được, cho thêm nước sôi để được 300ml và cho những dược liệu còn lại vào đun sôi thêm 30 phút. Sau đó, lọc qua rây. Không được dùng dụng cụ bằng kim khí và đồ sành sứ.

Uống mỗi lần 100ml nước sắc, mỗi ngày 3 lần. Trước và sau khi uống thuốc 3 giờ, không được ăn trứng gà, thức ăn chua và lạnh, không uống những thức uống lạnh. Trong thời kỳ điều trị, theo dõi bệnh nhân cẩn thận để tránh những bệnh do cảm lạnh.

Ý kiến bạn đọc