Hoa mào gà đỏ (Kê quan hoa) và 5 công dụng chữa bệnh không thể bỏ qua

25/10/2019, 13:47 PM
  • Chia sẻ
  • zalo

A. Tên gọi:

- Tên khoa học: Celosia argentea L. var. cristata (L.) Kuntze (C, cristata L.).

- Tên khác: Hoa muồng gà, Kê quan hoa

- Họ khoa học: Họ rau dền Amaranthaceae. 

B. Đặc điểm tự nhiên:

Mào gà đỏ là cây thân thảo, mọc thẳng đứng, cao từ 50 -120cm, cây ưa sáng, dễ trồng, không kén đất. Ra hoa từ tháng 6 đến 10, có quả từ tháng 9 đến 11, khi chín có nhiều hạt nhỏ màu đen. Đông y dùng cụm hoa (vị thuốc kê quan hoa) và lá non để làm thuốc. Mùa thu hái cụm hoa về loại bỏ tạp chất tách lấy hạt, có thể phơi hoặc sấy khô, lá non có thể thu hái quanh năm.

Cây hoa mào gà đỏ có chiều cao từ 50 - 120cm

Chú ý:

- Phân biệt hoa mào gà đỏ (kê quan hoa) với hoa mào gà trắng (hoa mào gà đuôi nheo hay vị thuốc thanh tương tử).

- Hoa mào gà đỏ cũng có nhiều loại, có loại hoa đỏ (hồng kê quan hoa), có loại hoa trắng (bạch kê quan hoa), hiện có cả loại hoa vàng...

C. Tính vị và công dụng:

Đông y đánh giá kê quan hoa có vị ngọt, tính mát, tác dụng tiêu viêm, cầm máu. Thường dùng hạt và hoa sắc uống để cầm máu trong các trường hợp kiết lỵ, trĩ, rong kinh, đái ra máu, thổ huyết, băng huyết. Nước sắc hoa và hạt dùng để rửa đau mắt. Hoa và lá còn dùng chữa sốt ở trẻ em, mẩn ngứa, nổi mề đay. Hạt nhai nuốt nước, lấy bã đắp trị rắn cắn, hoặc còn dùng chữa khí hư, xích bạch đới và viêm đường tiết niệu, kinh nguyệt không đều.

Cụm hoa của cây hoa mào gà đỏ

D. Các bài thuốc dùng hoa mào gà đỏ:

1. Chữa bệnh trĩ, có thể dùng 1 trong các bài sau:

Bài 1: Hoa mào gà (sao cháy), tán thành bột mịn, uống mỗi lần từ 6-9g với nước ấm, ngày 2-3 lần.

Bài 2: Hoa mào gà (sao), khương hoạt, tông lư thán lượng bằng nhau mỗi vị 30g. Tán bột mịn, uống mỗi lần 6g.

Bài 3: Hoa mào gà kết hợp với ngải diệp lượng bằng nhau đem sao đen, sắc uống trong ngày.

Bài 4: Hoa mào gà 15g, phòng phong 6g, tông lư thán 10g sắc uống trong ngày.

2. Chữa mẩn ngứa, nổi mề đay:

- Dùng uống trong: Hoa mào gà trắng (bạch quan hoa) 15 g tươi, ké đầu ngựa (sao bỏ gai) 8g, hồng táo 10 quả. Tất cả đem sắc nước uống.

- Dùng ngoài: Mầm non của cây hoa mào gà đỏ sắc nước rửa quanh vùng nổi mề đay.

3. Rong kinh, máu kinh quá nhiều:

Bạch kê quan hoa phơi khô tán thành bột, mỗi lần uống 6 g, mỗi ngày dùng từ một đến hai lần chung với rượu vào lúc đói. Nếu không uống được rượu thì dùng chung với nước ấm cũng được.

Hồng kê quan hoa (hoa mào gà đỏ) 30 g nấu chung với chút rượu trắng để uống. Hoặc 25 g hồng kê quan hoa nấu chín với một lượng thịt lợn vừa đủ, ăn trước khi có kinh 3 ngày.

4. Viêm nhiễm âm đạo:

Kê quan hoa cả hạt 60 g, xà sàng tử 15 g. Tất cả đem sắc nước để rửa từ một đến hai lần mỗi ngày. Nước sắc hoa mào gà có tác dụng kháng trùng roi âm đạo. Lưu ý: Không dùng cho phụ nữ có thai.

Hạt hoa mào gà đỏ

5. Chữa rắn, rết cắn:

Hoa mào gà đỏ tươi (toàn cây) rửa sạch, giã nát đắp vào vết thương. Hoặc sắc đặc để rửa vết thương, tác dụng giảm đau, chống hoại tử.

Chú ý: Tùy từng loại rắn độc mà có thể kết hợp với thuốc đắp để trung hòa độc tính của nọc độc rắn.

E. Video giới thiệu cây hoa mào gà đỏ:

 

 

Ý kiến bạn đọc