Trồng một khóm cây hoàn ngọc đỏ ở vườn nhà, vừa làm rau ăn lại có tác dụng phòng và chữa bệnh rất hay, cây tốt cho đường tiêu hóa, cao huyết áp, bệnh gan...
─────
- Tên thường gọi: Hoàn ngọc đỏ
- Tên khác: Cây con khỉ, cây lá khỉ, cây xuân hoa.
- Tên khoa học: Pseuderanthemum bracteatum
Bụi cây hoàn ngọc đỏ
─────
Cây hoàn ngọc đỏ thuộc loài cây bụi, sống lâu năm, có chiều cao trung bình từ 50cm - 1,2m, phân nhiều cành. Những ngọn non thường có màu đỏ tím, lá mọc đối, phiến lá thuôn dài hình mác, mép nguyên, bề mặt lá nhẵn bóng, lá non màu đỏ-tím hay hơi vàng, ăn có vị chát, hơi bùi, lá già màu xanh đậm. Mùa đông cây ít ra lộc, hoa thường mọc ở đầu cành và kẽ lá. Cây được trồng bằng cách giâm cành, cây dễ sinh trưởng, phát cành đi gốc vẫn tiếp tục ra nhiều nhánh mới.
Ngọn non cây con khỉ
─────
Cây hoàn ngọc đỏ được dùng chủ yếu để hái ngọn ăn sống, ngọn cây này có vị chát, hơi bùi, dễ ăn. Việc ăn ngọn cây này thường xuyên sẽ tốt cho những ai bị táo bón, trĩ, đau dạ dày, cao huyết áp, men gan tăng cao... Ngoài ra, người ta còn cắt thân, lá đem băm nhỏ, phơi khô để sắc nước hoặc hãm trà uống dần.
Chủ yếu được sử dụng trong phạm vi nhân dân, truyền tai nhau, nhưng thực tế đã có nhiều người phản ánh tác dụng rất tốt của cây hoàn ngọc đỏ.
Qua nghiên cứu, cây hoàn ngọc đỏ không độc và không thấy có biểu hiện khác thường nào đối với người dùng. Khi cao đặc toàn phần và các phân đoạn chiết tách từ lá đều có tác dụng kháng khuẩn đối với nấm mốc, nấm men, đặc biệt vi khuẩn Escherichia coli ở đường tiêu hoá. Điều này phù hợp với kinh nghiệm dân gian dùng lá cây xuân hoa chữa đau bụng, tiêu chảy do nhiễm khuẩn, rối loạn tiêu hoá. Ngoài ra, cao đặc lá cây xuân hoa còn có tác dụng ức chế quá trình peroxy hoá lipid màng tế bào, có xu hướng tác dụng bảo vệ tế bào gan.
Trong thời gian tới cần nghiên cứu sâu hơn về cây này để nhân dân có thêm thông tin và cách dùng thuốc tốt nhất.
Chú ý: Tránh nhầm lẫn cây này với cây hoàn ngọc trắng và cây xương khỉ (cây bìm bịp).
Cụm hoa ở đầu cành