Ké hoa vàng có vị ngọt nhạt, chất nhầy, tác dụng tiêu ban thoái nhiệt, hoá thực, khai uất, lợi phế khí, hạ đờm hỏa, tiêu ung, phá trệ, phát hàn, giải biểu, dùng trong các trường hợp viêm ruột, vàng da, viêm hạch, sốt, đau lưng, tê thấp, hỗ trợ điều trị ung thư vú...
Tên gọi:
- Tên khoa học: Sida rhombifolia L - Sida alnifolia Lour.
- Tên khác: Ké đồng tiền, bạch bối hoàng hoa nhậm, Chổi đực, Bái nhọn, Khắt bó lương (Thái), Xi phú (Kho), Cây ro, Khắt lót (Tày).
- Tên Tiếng Trung: 黄花稔 - Hoàng hoa nhẫm
- Họ khoa học: Thuộc họ bông Malvaceae
Đặc điểm tự nhiên:
Ké hoa vàng là loại cây mọc hoang ở các nước châu Á như Lào, Campuchia, Ấn Độ, Trung Quốc, ở nước ta cây phân bố rải rác nhiều nơi. Cây ưa sáng, thân cây nhỏ, mọc thẳng, phân nhiều cành, cao chừng 0,4 - 1,5m, thân và cành có nhiều lông ngắn hình sao. Bộ rễ của ké hoa vàng bám rất chắc vào đất, không dùng tay nhổ được lên mà phải dùng cuốc, thuổng.
Lá mọc cách, hình trứng hay gần như hình trứng, đầu hơi nhọn ngắn, mép hơi răng cưa, dài 1,5 - 4cm, rộng 1 - 2,5cm, cuống dài 3 - 5mm, nhiều lông.
Hoa màu vàng, mọc ở kẽ lá hay đầu cành. Đài hình chuông lá đài có lông màu trắng nhạt ở phía ngoài. Cánh trắng màu vàng cũng có lông mịn. Nhị 20, nhụy có 7 vòi.
Quả có vỏ mỏng dễ vỡ, ở đỉnh có lông, phía lưng có 2 vết nổi. Hạt cũng có lông.
Các bài thuốc có vị thuốc ké hoa vàng:
1. Chữa lỵ:
Ké hoa vàng khô 20 - 40g sắc nước uống, ngày 1 thang.
2. Chữa viêm ruột lỵ:
Ké hoa vàng, Mã đề, mỗi vị 30g, Nghể răm 15g, sắc nước uống, ngày 1 thang.
3. Chữa sốt, đau lưng, tê thấp:
Ké hoa vàng (thân, lá) 30g sắc nước uống, ngày 1 thang.
4. Chữa mụn nhọt, sưng chín mé:
Ké hoa vàng tươi, rửa sạch, giã nát đắp lên những nơi sưng đau, chữa vỡ mủ. Kết hợp, thân và lá ké hoa vàng (sao vàng) 20 - 40g sắc nước uống, ngày 1 thang.
5. Hỗ trợ điều trị ung thư vú:
Ké hoa vàng (sao vàng) 10g; Lá đu đủ (tươi) 20g. Sắc nước uống ngày 1 thang.
6. Vàng da:
Ké hoa vàng, Vẩy rồng, Hàm ếch, mỗi vị 30g sắc nước uống, ngày 1 thang.
7. Viêm hạch bạch huyết do lao cổ:
Ké hoa vàng 60g nấu với thịt với lượng gấp đôi rồi ăn. Cũng dùng lá tươi đắp ngoài.
Tham khảo thêm về ké hoa vàng:
- Kinh nghiệm dân gian còn dùng cây cũng có tên là Ké hoa vàng như không phải cây có tên khoa học là Sida rhombifolia L - Sida alnifolia Lour mà là cây Sida cordifolia L, cũng thuộc họ Bông (Malvaceae), ở vùng Quảng Châu - Trung Quốc nó có tên là Tâm diệp hoàng hoa nhậm.
- Loại này có thân cứng, chiều cao từ 0,4-1m, toàn thân đều có lông mịn. Lá hình trứng, đầu lá tù, phía cuống hình tim, mép khía tai bèo, rất nhiều lông mềm trắng nhạt, phiến lá dài 2,5-5cm, rộng 2-3cm ở phía cuống. Hoa vàng, mọc thành ngù ở đầu cành. Đài có rất nhiều lông ở phía ngoài. Tràng không có lông. Lá noãn 6-10, dài 3,5mm, có nhiều vân. Hạt có lông đầu, dài 3mm.
- Cây này cũng thấy mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta, còn thấy ở Campuchia, Lào, Thái lan, Trung Quốc (miền nam)
- Lá cây chứa rất nhiều chất nhầy, trong hạt có một ancaloit rất giống ephedrin. Cây này cũng được dùng phổ biến trong nhân dân làm vị thuốc mát có tác dụng thông tiểu tiện, lọc máu, dùng trong những trường hợp mụn nhọt, ecpe (herpes) loang vòng, tiểu tiện ít và vàng đỏ. Dùng cây hay lá tươi sao vàng uống thay nước trong ngày: ngày dùng 20-40g cây hay lá khô. Dùng ngoài không kể liều lượng để đắp lên những nơi sưng đau.
- Ngoài hai cây ké hoa vàng nói trên , còn một cây nữa cũng mang tên ké hoa vàng, nhưng tên khoa học lại là Sida acuta Burn (Sida carpinifolia L; Sida scoparia Lour) có nơi gọi cây bái chổi (miền Trung và nam Bộ). Đây là một cây nhỏ cao 0,8-1m, trên thân có vân dọc, lá hình mác dài 2,5-6cm, rộng 0,5-2cm, đầu nhọn, hai mặc nhẵn hay hơi có lông. Hoa màu vàng nhạt, mọc đơn độc ở kẽ lá, có khi mọc thành đôi, cuống hoa ngắn. Lá noãn 4-9 thường là 5. Hạt có lông ở đầu.
- Cây này cũng mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta, nhưng ở miền Bắc ít gặp hơn, tại miền Trung người ta hay dùng lá và rễ cây làm thuốc mát uống và giã đắp lên những mụn nhọt hay nơi sưng đau, sốt, thông tiểu. Tại Ấn Độ, ngoài công dụng trên người ta còn dùng rễ làm thuốc chữa sốt, ra mồ hôi, làm thuốc bổ đắng, làm cho ăn ngon cơm, có nơi khác làm thuốc thông tiểu trong bệnh tê thấp.