Mộc tặc (cỏ tháp bút) vị thuốc giúp sáng mắt, lợi tiểu

14/11/2019, 22:38 PM
  • Chia sẻ
  • zalo

YHCT đánh giá mộc tặc có vị ngọt, hơi đắng tính bình, vào 3 kinh phế, can và đảm, tác dụng giải cơ, lợi tiểu, cầm máu, tan màng mắt. Dùng để chữa mắt đau chảy nước mắt, trĩ, huyết lỵ, băng trung, chảy máu ruột, bệnh trĩ và còn dùng chữa đau mắt, ho hen, lỵ ra máu, bí tiểu tiện.

─────

TÊN GỌI THÁP BÚT

- Tên khoa học: Herba Equiseti debilis

- Tên thường dùng: Mộc tặc

- Tên khác: Cỏ tháp bút, Tiết cốt thảo, Mộc tặc thảo, Bút đầu thái, Búa lọ, Phì nọi, Co sáp pít (Thái).

- Tên Trung Quốc: 木贼 

- Họ khoa học: Equisetaceae

─────

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN CÂY THÁP BÚT (MỘC TẶC)

- Mộc tặc là vị thuốc quý trong Đông y, cây sống lâu năm, thường gặp ở khu vực miền núi và trung du, mọc thành đám nhỏ ở nơi có độ ẩm cao như bờ suối, bờ ruộng, khe rạch sát chân núi. Mộc tặc có thân rễ dài, có đốt màu đỏ nằm sâu dưới đất (60-80cm), thân rỗng, đường kính khoảng 6-8mm, chia thành nhiều đốt, chiều dài mỗi đốt 2-6 cm, thân cây màu xanh đậm có rãnh dọc thân, không phát triển lá.

- Xuất hiện lên mặt đất hai thứ cành: cành bất thụ, cành hữu thụ.

+ Cành bất thụ xuất hiện sau và dài hơn cành hữu thụ, có thể dài đến 20-30cm, chia thành từng dóng, mang ở mỗi mấu một vòng là nhỏ hình sợi dính liền vào nhau tại phía gốc thành một thứ bẹ ôm lấy cành. Cành có thể có nhiều nhánh con, những nhánh này cũng mọc vòng từ các mấu. Các dóng của cành đều rỗng, chỉ ở ngang mấu thì dày, phía ngoài có nhiều rãnh dọc mỗi rãnh ứng với một lỗ khuyết trong phần vỏ

+ Cành hữu thụ (xuất hiện trước cành bất thụ vào đầu mùa xuân) thường màu nâu không phân nhánh, mang nhiều vòng bào tử diệp xếp xít lại phía đầu cành thành một bông trông giống đầu nhọn bút lông. Ngoài cây Equisetum arvense nói trên, ở vùng Sapa (lào cai) và một số vùng lạnh khác trong nước ta, tại những nơi ẩm ở ven sông, còn gặp một loài mộc tặc nữa gọi là Equiseium debile Roxb, cùng họ.

 

Cây mộc tặc

Thân và rễ cây tháp bút

─────

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Trong Mộc tặc có các Acid Silixic, chất béo, phytosterol, acid equisetic, chất saponin gọi là equisetonin, các chất ancaloit equisetin và nicotin. Ngoài ra, còn có equisetrin (glucozit) và Isoquevitnin.

Bộ phận dùng là toàn thân cây phần trên mặt đất. Mùa thu hoặc hạ - thu cắt lấy phần thân cây, rửa sạch, loại bỏ tạp chất, cắt đoạn khoảng 20 - 30 cm, phơi âm can (hoang ra gió cho khô, tránh ánh nắng mặt trời). Sau khi đã phơi khô, bó thành từng bó nhỏ, bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát để dùng dần..

 

thân cây mộc tặc

Thân cây mộc tặc

─────

NHỮNG BÀI THUỐC TỪ CÂY MỘC TẶC (THÁP BÚT)

Mộc tặc có vị ngọt, hơi đắng tính bình, vào 3 kinh phế, can và đảm, tác dụng giải cơ, lợi tiểu, cầm máu, tan màng mắt. Dùng chữa mắt đau chảy nước mắt, trĩ, huyết lỵ, băng trung, chảy máu ruột, bệnh trĩ và còn dùng chữa đau mắt, ho hen, lỵ ra máu, bí tiểu tiện.

1. Chữa viêm kết mạc cấp (do phong nhiệt làm mắt sưng đỏ mờ):

- Mộc tặc.............8g,

- Cúc hoa............12g,

- Bạch tật lê.........12g,

- Quyết minh tử....12g,

- Phòng phong.......8g,

Sắc nước uống, ngày 1 thang. Bài này gia thêm Thương truật, Hạ khô thảo chữa viêm tuyến lệ cấp.

2. Chữa phù trong viêm cầu thận cấp, phù cước khí:

- Mộc tặc thảo.......15g,

- Phù bình.............10g,

- Đậu đỏ..............100g,

- Hồng táo............5 quả,

Cho vào 600ml, sắc còn 200ml nước uống, ngày 1 thang.

3. Chữa chứng chảy máu:

Ngoài ra, người ta còn dùng Mộc tặc chữa chứng chảy máu do Trĩ, chảy máu đường ruột, sa trực tràng, xích lị, mộng thịt ở mắt.

Liều lượng thường dùng: 4 -12g.

Ngoài những bài thuốc kể trên, mộc tặc còn được dùng trong các bài thuốc dân gian như: bổ thận, lợi tiểu, vô sinh...

4. Khí huyết đều hư, can hư, mắt kéo màng, tròng trắng đều đỏ, tối đến đau nhói

- Ốc Cửu khổng nung thành vôi, cỏ Tháp bút sao khô, 2 vị đều nhau, tán, 1 lần uống 9.5g, dùng 3 lát gừng, 1 quả táo nấu làm thang uống với thuốc và ăn cả bã, ngày uống 2 lần.

5. Đau họng nghẹt họng nguy cấp

Cỏ Tháp bút, phân bò khô đốt tồn tính hòa 3g với nước uống, máu ra là yên.

6. Tiêu chảy ra máu không ngớt

- Cỏ Tháp bút 15,5g, sắc uống lúc đói.

7. Lòi dom lâu ngày

Củ gai đập nát, nấu sôi xông rửa hoặc cỏ Tháp bút đốt tồn tính tán xức vào rồi lấy tay dằn lên.

8. Trường trĩ ra máu lâu năm

- Cỏ Tháp bút 62g, Chỉ xác 62g, Can khương 31g, Đại hoàng 78g. Đều sao đem tán, 1 lần 6g uống với nước sôi.

Chú ý lúc dùng thuốc: Mộc tặc thảo có thể dùng thay thế Ma hoàng.

Không dùng đối với người bệnh âm hư hỏa vượng gây mắt đỏ và trường hợp chảy máu do khí hư không nhiếp được huyết.

─────

Trên đây là cách nhận biết cây tháp bút cùng những kinh nghiệm hay sử dụng vị thuốc mộc tặc trong dân gian. Bạn còn biết thêm tác dụng nào khác của vị thuốc này, hãy để lại ý kiến của mình vào phần bình luận phía dưới.

Bạn cũng đừng quên Chia sẻ bài viết này để bạn bè, người thân cùng biết đến nhé. Cảm ơn bạn!

 

Ý kiến bạn đọc