- Tên thường gọi: Phục linh
- Tên khoa học: PoriacocosWolf
- Họ khoa học: Nấm lỗ (Polyporaceae)
Nấm ký sinh trên rễ cây thông, có hình khối to nhỏ không đều, nặng từ vài lạng đến 5kg.
Vỏ ngoài màu nâu đen, sần sùi, có khi nổi bướu, bên trong có chất bột lổn nhổn các khuẩn ty, bào tử, cuống đảm tử. Loại có mặt trong màu trắng gọi là bạch phục linh hay bạch linh, loại màu hồng xám là xích phục linh hay xích linh, loại có rễ thông xuyên vào giữa gọi là phục thần.
- Trên thế giới, phục linh phân bố ở Trung Quốc, Nhật Bản, vùng Viễn Đông thuộc Liên Bang Nga.
- Ở Việt Nam, người ta cho rằng nấm phục linh có thể tìm thấy ở rừng thông thuộc các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Hà Giang. Từ giữa những năm 70, phục linh đã được gây trồng thử nghiệm ở Tam Đảo, nhưng chưa có kết quả.
Theo tài liệu nước ngoài, phục linh trồng cho thể quả thu hoạch ở cây 3 - 4 năm là tốt nhất. Do nấm mọc sâu dưới mặt đất khoảng 20cm, nên khi thu hoạch phải bộc lộ dần dược liệu để tránh làm xây sát và bỏ sót.
Phục linh được phân loại cụ thể như sau:
- Phục linh bì là phần vỏ ngoài của nấm.
- Xích phục linh là lớp sát phần vỏ ngoài, có màu hồng hay nâu nhạt.
- Bạch phục linh là lớp trong cùng màu trắng.
- Phục thần là nấm phục linh bao quanh rễ thông.
Phục linh chứa polysaccharid, acidpachymic, aciddehydropachymic, acidpinicolic, adenin, cholin, lecithin, dầu béo, sucrose, fructose, muối vô cơ.
- Dịch chiết phục linh được thử nghiệm thấy có tác dụng lợi tiểu rõ rệt. Dược liệu còn vỏ ngoài (phục linh bì) có tác dụng mạnh hơn phục linh đã loại bỏ vỏ.
- Nước sắc phục linh có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi khuẩn Bacỉllussubtỉlỉs, Staphỵỉococcusaureus, Enterococcus.
- Bột bạch linh cho bệnh nhân bị phù uống thấy giảm phù nhất là phù do bệnh tim và thận. Bột bạch linh cũng có tác dụng chống tiêu chảy kéo dài.
Trong y học cổ truyền, phục linh có vị ngọt, nhạt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ, lợi tiểu, kiện tỳ, định tâm, chữa suy nhược cơ thể, phù thũng, tiêu chảy, tỳ hư, bụng đầy chướng. Mỗi bộ phận của phục linh đều có tác dụng riêng biệt như phục linh bì ưu tiên lợi tiểu, tiêu thũng; xích linh hành thủy, trừ thấp, bạch linh bổ tỳ vị, chống hư tổn. Liều dùng hàng ngày: 10 - 20g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hoặc thuốc viên. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
Phục thần là thuốc an thần chữa hồi hộp, phiền muộn, sợ hãi, hoảng hốt, mất ngủ, mất trí. Liều dùng hàng ngày: 4 - 12g dưới dạng thuốc sắc.
Phục linh bì, vỏ quýt lâu năm, vỏ quả cau, vỏ rễ dâu, vỏ gừng sông (mỗi vị 10g). Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn l00ml, uống làm hai lần trong ngày. (Nam dược thần hiệu).
Hoặc bạch phục linh, bạch truật, trư linh (mỗi vị 10g), trạch tả (12g), quế chi (4g). Tất cả tán bột, rây mịn. Mỗi lần uống 10g, ngày 2 - 3 lần.
Phục thần (10g), đảng sâm (10g), hạt sen (10g), long nhãn (10g), đại táo (10g), táo nhân (8g, sao vàng), viễn chí (8g), thạch xương bồ (8g). Tất cả phơi khô, tán bột mịn, luyện với mật ong làm viên bằng hạt đỗ xanh. Ngày uống 12 - 20g.
Hoặc phục thần (12g), bạch truật (12g), hoàng kỳ (12g), đương quy (8g), đảng sâm (8g), long nhãn (8g), táo nhân (4g, sao), viễn chí (4g), cam thảo (4g, nướng), mộc hương (2g). Tất cả tán bột, rây mịn, luyện với mật ong làm viên. Ngày 2 lần, mỗi lần 20g (Quy tỳ hoàn).