Thanh ngâm là còn có tên khác là mật đất, cây mật cá, sản đắng, thằm ngăm đất, Co khom địn (Thái), danh pháp khoa học Picria fel-terrae Lour, thuộc họ Hoa mõm sói (Scrophulariaceae), cây được phát hiện ở nhiều vùng rừng núi của nước ta. Tuy là loài mọc hoang dại nhưng công dụng của loài cây này không vì thế mà bị coi nhẹ.
─────
Thanh ngâm là dạng cây thảo, chiều cao từ 20- 40cm, thân vuông, có lông thưa hay dày, thường đâm rễ ở các mắt dưới, đốt thân có màu tím. Lá mọc đối, phiến xoan, mép có răng đều, gân phụ 4-5 cặp, có lông mịn; cuống 2-15mm, có cạnh. Chùm hoa trắng mọc ở nách lá thưa, gồm 4-5 hoa. Quả nang dạng trứng, hình cầu, nhẵn, có mũi, nhìn giống với con hến. Hạt vàng, hình trụ. Cây thanh ngâm ra hoa gần như quanh năm. Khi nhấm, toàn cây thanh ngâm có vị rất đắng. (Bạn hãy theo dõi video ở phần cuối bài viết để nhận biết chính xác cây thuốc này nhé)
─────
- Đông y đánh giá Thanh ngâm có vị rất đắng, tính mát; tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, giảm đau. Lá là vị thuốc khai vị, kích thích ruột, làm ra mồ hôi, lợi tiểu và điều kinh.
- Thường dùng cả cây làm thuốc và được gọi là Ðịa đởm thảo, Thổ huyền sâm. Toàn cây chứa một glucosid là curangin, có nhiều tính chất của digitalin và cũng có tác dụng trợ tim.
- Lá được dùng trong giai đoạn đầu của thủy thũng, sốt gián cách, vô kinh, đau bụng và đau vùng thắt lưng.
- Thuốc khai vị, ăn không tiêu được làm: Cỏ thanh ngâm sao vàng, hạ thổ 100g, rượu trắng 1 lít, mật ong ngon 300g. Ngâm được trên 15 ngày là dùng được. Ngày uống 20 - 30ml trước bữa ăn cơm.
Ngoài ra, còn dùng ngoài đắp nơi rắn độc cắn, vết thương, lở loét, (dùng ngoài không kể liều lượng). Người ta cho rằng khi đắp vết thương, vết loét, chất curangin thấm qua máu vào người và thành thuốc giải độc.
Kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới:
- Trung Quốc: Ở Hải Nam dùng vỏ cây, vỏ rễ trị cam tích phát ban, đau họng, rắn cắn và lao hạch. Ở Vân Nam, toàn cây được dùng trị cảm mạo phong nhiệt, hầu họng sưng đau, đau dạ dày, tiêu hoá không bình thường, bệnh lỵ, rắn độc cắn, đòn ngã tổn thương, viêm tuyến hạch, đinh nhọt, ... Ở Quảng Tây cây được dùng trị viêm phổi, bạch hầu; còn dùng ngoài trị gãy xương.
- Ở Malaixia: Dùng khai vị, dịch cây dùng gây nôn và nước sắc lá dùng trị đau dạ dày, bệnh về gan, người ta còn phối hợp với cây Dạ cẩm làm thuốc đắp trị rắn cắn.
- Ở Molluyc: Dùng làm thuốc trị giun và cũng làm thuốc trị sốt rét cách ba ngày, kích thích gan làm vận chuyển mật tới ruột nhưng không khử lọc; cũng dùng trị đau bụng.
─────
─────
Bạn đã nhận biết được cây thanh ngâm chưa? Nếu bắt gặp cây này trong tự nhiên, hãy hái chúng về để dùng dần bởi không phải khi nào chúng ta cũng có thể bắt gặp cây mật đất đâu bạn. Nếu biết thêm công dụng gì khác của cây này, hãy cho mọi người cùng biết ở phần bình luận bạn nhé. Nếu thấy bài viết hữu ích, mong bạn chia sẻ để cho nhiều người cùng biết đến. Cảm ơn bạn!