Thủy trúc được trồng làm cảnh rất nhiều, cây có tác dụng làm sạch không khí, giảm ô nhiễm nguồn nước, đồng thời đây cũng là cây thuốc rất hay được trồng nhiều ở các vườn thuốc Nam.
─────
- Tên thường gọi: Thủy trúc
- Tên khác: Cây trúc ngược, Lắc dù, Cói quạt.
- Tên khoa học: Cyperus alternifolius L. ssp. flabelliformis (Rottb.) Khukenth.
- Họ: Cói - Cyperaceae.
─────
Thủy trúc là loại cây thân thảo, mọc thành cụm, có thân thẳng đứng, cao từ 70 cm đến trên 1m, thân có cạnh và có nhiều đường vân dọc, phía gần gốc có những bẹ lá màu nâu không có phiến. Lá thuôn dài chừng 20 -30cm, mọc tập trung ở đỉnh thân thành vòng dày đặc, xếp theo dạng xoắn ốc và xoè rộng ra.
Cụm hoa cây thủy trúc dạng hình tán ở nách lá, nhiều. Bông nhỏ hình bầu dục hoặc hình bầu dục ngắn, dẹp, dài khoảng 8mm, thông thường không có cuống, hợp thành cụm hoa đầu ở đỉnh các nhánh hoa. Cây ra hoa vào tháng 1-2.
Cây thủy trúc trồng trên cạn
─────
Cây có nguồn gốc từ vùng Madagascar, được di thực về Việt Nam chủ yếu để làm cảnh. Cây có thể được trồng ở trên cạn hoặc ven bờ nước, trong các bồn hoa, bể cá, hòn non bộ.... Thu hái toàn cây quanh năm.
Bộ phận dùng thân lá - Caulis cum Folium Cyperi Flabelliformis.
Chùm hoa và lá của cây thủy trúc
─────
Thủy trúc có vị chua ngọt, hơi đắng, tính mát, không độc, tác dụng hành khí hoạt huyết, thoái hoàng giải độc, được dùng trong các bài thuốc trị ứ huyết gây đau, vết thương do côn trùng, có thể dùng tươi hoặc ngâm rượu.
Cây được dùng để làm cảnh ở nhiều nơi, người ta tin rằng cây này đem lại bình an và may mắn cho gia chủ. Ngoài ra, cây cũng có tác dụng lọc không khí, giảm thiểu ô nhiễm không khí và nguồn nước.
Về mặt y học, thủy trúc dùng trong các bài trị đau do ứ huyết, bong gân, chuột rút, bầm dập (dùng tươi hoặc lấy thân, lá ngâm rượu để xoa bóp), khi bị côn trùng đốt lấy lá giã nát đắp lên.
Video giới thiệu về cây thủy trúc: