Tía tô cây gia vị có tác dụng trị bệnh rất tuyệt vời

10/04/2020, 20:32 PM
  • Chia sẻ
  • zalo

Chúng ta đều biết đến cây rau gia vị có tên là tía tô, đây cũng là vị thuốc có tác dụng rất tuyệt vời được dùng từ rất lâu đời trong dân gian. Khi bị ngoại cảm, phong hàn, động thai, ho, ngộ độc cua cá, chỉ cần một nắm lá tía tô là cũng đã giúp được rất nhiều cho người bệnh. 

─────

A. TÊN GỌI

- Tên thường gọi: Tía tô

- Tên khác: Tử tô, xích tô, é tía

- Tên khoa học: Folium Perillae Fructescentis 

- Họ khoa học: Họ hoa môi (Lamiacae)

Cần chú ý:

- Tô tử với tử tô. Tô tử là hạt của cây tía tô (hay cũng là cây tử tô), tức là: Tô tử với tử tô tử là một.

- Trên thực tế có 2 loại tía tô: Một loại có lá màu tím hung, còn một loại có lá màu lục, chỉ có gân màu hung.

Cây tía tô

Lá cây tía tô

─────

B. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN

Tía tô là loại cây thảo, mọc hoang hoặc được trồng ở nhiều nơi vì không quá kén đất, miễn nơi nhiều ánh sáng, đất màu, ẩm là cây phát triển được. Nhiều  hộ gia đình trồng tía tô để làm rau gia vị, cũng là cây thuốc Nam rất hay, cây được trồng bằng hạt, sống hằng năm, thân thẳng đứng cao từ 50cm - 1m, phân nhiều cảnh, có lông.

Lá mọc đối, hình trứng, đầu nhọn, mép có răng cưa to; phiến lá dài 4-12cm rộng 2,5-8cm, màu tím hoặc xanh tím, trên có lông màu tím. Cuống lá ngắn 2-3cm.

Hoa nhỏ, màu trắng hoặc tím nhạt, mọc thành từng chùm ở kẽ lá hay đầu cành, chùm dài 6-20cm.

Quả là hạch nhỏ, hình cầu, đường kính 1mm, màu nâu nhạt, có mạng.

Cây được trồng bằng hạt. Mùa hoa tháng 7-9, mùa quả tháng 10-12.

─────

B. THU HÁI, CHẾ BIẾN

1. Các bộ phận dùng làm thuốc của tía tô:

- Lá: Tô diệp

- Hạt: Tô tử (hay còn gọi là tử tô tử)

- Cành: Tô ngạnh

2. Thu hái, chế biến:

- Lá: Mùa hè khi lá phát triển mạnh, thu hái những lá già không sâu bệnh, loại tạp chất, phơi âm can hoặc sấy nhẹ cho đến khô (mục đích là để giữ hương thơm và dược tính của lá).

- Quả: Thường hái vào mùa thu, bỏ tạp chất, phơi khô.

- Tử tô tử sao: Lấy hạt quả tía tô cho vào chảo, sao nhỏ lửa đến khi có mùi thơm hoặc nổ đều, lấy ra để nguội, khi dùng giã dập.

─────

C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

- Tinh dầu: 0,50% tinh dầu, trong tinh dầu, thành phần chủ yếu là perilla- andehyt C10H14O (55%), limonen (20-30%), CL- pinen và dihydrocumin C10H14O. Chất perilla andehyt có mùi thơm đặc biệt của tía tô, chất perilla andehyt antioxim ngọt gấp 2.000 lần đường, khó tan trong nước, đun nóng sẽ phân giải, có độc, cho nên không dùng làm chất điều vị được, nhưng có người dùng làm ngọt thuốc lá.

- Chất màu trong lá tía tô là do este cùa chất xyanin clorit C27H31O16Cl.

- Ngoài các chất trên, trong tía tô còn chứa adenin C5H5N5 và acginin C6H14N4O2.

- Trong hạt tía tô có 45-50% chất dầu lỏng, màu vàng, mùi và vị của dầu lanh (huilede lin), thuộc loại dầu khô, có chỉ số iôt vào loại cao nhất (206), chỉ số xà phòng 189,6 tỷ trọng 0,930.

Hằng năm Nhật Bản và Triều Tiên trước đây sản xuất tới 60.000 tấn dầu này để quét lên dù làm cho dù không thấm nước hoặc quét lên loại giấy không thấm nước.

─────

D. TÍNH VỊ VÀ CÔNG DỤNG

Tía tô có vị cay tính ấm, quy vào 2 kinh: Tỳ và Phế.

Có tác dụng: Phát tán phong hàn, lý khí khoan hung; giải uất, hoá đờm, an thai, giải độc của cua cá. Dùng chữa ngoại cảm phong hàn, nôn mửa, động thai, ngộ độc cua cá.

- Tác dụng của lá: Cho ra mồ hôi, chữa ho, giúp sự tiêu hoá, giảm đau, giải độc, chữa cảm mạo, chữa bị ngộ độc nôn mửa, đau bụng do ăn cua cá.

- Tác dụng của cành: Tác dụng lý khí, dùng chữa ho trừ đờm, hen suyển, tê thấp, cành không có tác dụng phát biểu.

Liều dùng:

Lá và hạt ngày uống 10g, cành ngày uống 6-20g dưới dạng thuốc sắc.

Lượng thường dùng trong các bài thuốc từ 4-12g. Dùng độc vị và thuốc tươi có thể nhiều gấp nhiều lần tùy tình hình bệnh lý.

Ngoài ra, ở Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ người ta dùng dầu hạt tía tô trong kỹ nghệ vẽ trên đồ sứ, thực phẩm.

─────

E. NHỮNG BÀI THUỐC LIÊN QUAN

Khi nhắc đến tía tô, cần phải ghi nhớ 3 bài thuốc tiêu biểu, cũng là những công năng rất tốt của vị thuốc này cho 3 loại bệnh qua các bài: Tử tô giải độc thang, Sâm tô ẩm, Tử tô ẩm.

1. Chữa trúng độc đau bụng do ăn phải cua cá: 

Lá tía tô l0g, sinh khương 8g, sinh cam thảo 4g, nước 600ml. Sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày, uống khi thuốc còn đang nóng.

(Còn gọi là bài thuốc: Tử tô giải độc thang)

Nếu không đủ vị thì lấy lá tía tô giã vắt nước uống, hoặc nước sắc lá khô 10g uống lúc nóng.

2. Chữa bệnh cảm mạo, sốt, nhức đầu, đau các khớp xương:  

Lá tía tô, nhân sâm, trần bì, chỉ xác, cát cánh, cam thảo, mộc hương, bán hạ, can khương, tiền hổ mỗi vị 2g, nước 600ml. Sắc nhỏ lửa còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. (Đây là bài thuốc: Sâm tô ẩm) 

3. Động thai, đau bụng:

Phụ nữ mang thai động đau bụng, dau lưng ngực, buồn nôn dùng Tô ngạnh 8g, Đương qui 12g, Bạch thược 12g, Xuyên khung 8g, Đảng sâm 12g, Trần bì 8g, Đại phúc bì 8g, Cam thảo 4g, Sinh khương 8g, sắc nước uống.

(Đây là bài thuốc: Tử tô ẩm)

Lá cây tía tô

Lá cây tía tô có nhiều tác dụng chữa bệnh

Những bài thuốc khác dùng đến tía tô:

1. Chữa đầy hơi, chướng bụng:

Kinh nghiệm đơn giản khi bị đầy hơi, chướng bụng là lấy lá tia tô giã nát, hòa với ít muối, uống từ 1 - 2 lần.

2. Chữa các chứng chảy máu do ho, nôn, tiêu chảy:

Hái 1 nắm tô lá tía tô cho vào nồi đun gạn bỏ bã, cô đặc thành cao. Lấy một ít đậu đỏ rang vàng, tán nhỏ trộn với cao trên rồi viên thành từng hạt nhỏ để uống, mỗi lần 50 viên. Thuốc này sẽ hạn chế được phần nào sự chảy máu.

3. Bài thuốc giải cảm:

4. Chữa sưng vú: 

Tía tô 10g sắc lấy nước uống, bã đắp vào vú.

5. Chữa mẩn ngứa, làm đẹp da:

Lá tía tô đem giã nát cho vào nước tắm, bã lá tía tô có thể đắp vào vùng da bị ngứa.

6. Tiêu đờm giảm ho:

Trường hợp ho do ngoại cảm phong hàn dùng bài: Tam tử dương thân thang (Tô tử 6-12g, La bạc tử 8-12g, Bạch giới tử 6-8g) gia vị (thường kèm theo thuốc thanh nhiệt hoặc nhuận phế), chữa các chứng bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản cấp mạn ho nhiều đờm.

7. Kiện vị cầm nôn:

Trường hợp nôn ọe, ăn không tiêu, đầy bụng kèm nôn (dạng hư hàn) dùng nước sắc lá tía tô uống với viên Hương sa lục quân 6-8g có tác dụng cầm nôn, hết đầy bụng. Trường hợp nôn thai nghén dùng nước sắc Tô ngạnh uống tốt.

Lưu ý:

- Đông y đánh giá rất cao vị thuốc từ cây tía tô, được xếp vào loại giải biểu (làm cho ra mồ hôi) thuốc nhóm phát tán phong hàn (nhóm do lạnh gây bệnh) cần chữa bằng cách cho ra mồ hôi, khỏi sốt.

- Lá tía tô có tác dụng giải cảm phong hàn, giải độc, cành có tác dụng như lá nhưng ít hơn, có tác dụng an thần, còn hạt (Tô tử) chủ yếu là hành khí hóa đờm. Trường hợp biểu hư tự ra mồ hôi không dùng.

─────

Trên đây là những bài thuốc có công hiệu rất tuyệt vời từ cây tía tô, nếu bạn biết thêm những kinh nghiệm từ cây thuốc này, hãy cho chúng tôi biết vào phần bình luận phía dưới.

Bạn cũng có thể tham gia CỘNG ĐỒNG YÊU THẢO DƯỢC để được giao lưu học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm hay chữa bệnh bằng cây thuốc Nam.

Nếu thấy bài viết hay, bổ ích, đừng quên chia sẻ để nhiều người cùng biết đến bạn nhé.

 

Ý kiến bạn đọc