Trúc đào, loài cây có độc cần lưu ý

17/02/2020, 09:51 AM
  • Chia sẻ
  • zalo

Cây trúc đào được di thực về Việt Nam để trồng làm cảnh, đây cũng là loài thảo dược dùng cho việc chế xuất một số loại thuốc, nhưng mọi người cần hết sức lưu ý, toàn bộ cây trúc đào đều chứa độc tố có thể gây chết người.

─────

A. TÊN GỌI

- Tên thường gọi: Trúc đào

- Tên khác: Đào lê, Trước đào, Giáp trúc đào.

- Tên khoa học: Nerium indicum Miler

- Tên tiếng Trung: 竹桃

- Họ: Polemoniaceae

Cây trúc đào thường được trồng làm cảnh

─────

B. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN

Trúc đào là cây mọc hoang vùng ven biển được di thực về Việt Nam để trồng làm cảnh, cây xanh tốt quanh năm, hoa sặc sỡ, chiều cao cây thường từ 2 - 4m, cây dễ trồng bằng việc giâm hom. Thân, cành trúc đào rất dẻo. Lá đơn, thuôn dài hình mác, dai, cứng, mọc đối hay mọc vòng từng 3 lá một, cuống ngắn, mặt trên màu xanh thẫm, mặt dưới màu nhạt hơn, gân chính rõ rệt. Hoa màu hồng nhạt hay màu trắng, mọc thành xim ngù ở đầu cành rất nổi bật. Quả gồm 2 đại, gầy, trongchứa rất nhiều hạt có nhiều lông.

Để nhận biết chính xác trúc đào, mời các bạn theo dõi video dưới đây:

─────

C. BÀO CHẾ TRÚC ĐÀO LÀM THUỐC

Như đã đề cập, đây là loại cây chứa độc tố gây tử vong nên không dùng trực tiếp qua đường uống, ngành dược liệu thường triết xuất neriolin có trong lá trúc đào để dùng trong y học. Cách bào chế qua 3 giai đoạn như sau:

- Giai đoạn chiết xuất. Lá trúc đào mới hái về, phơi khô trong mát cho tới khi tỷ lệ nước chỉ còn 12-14%, thái thành từng miếng nhỏ, kích thước 2-5mm, không nên tán thành bột nhỏ, cũng không nên để nguyên cả lá to vì như vậy tạp chất sẽ nhiều, khó tinh chế mà hoạt chất ra không hết. Ngâm 5kg lá thái nhỏ như trên với 50 lít rượu 250 trong 20 giờ, sau đó lấy cả được chừng 25-27 lít, sau đó ép thì sẽ được thêm chừng 18-20 lít nữa.

- Giai đoạn loại tạp chất. Đổ 45 lít rượu trên vào vại sành sức chứa chừng 75 lít, đổ dần vào đó nửa lít dung dịch chì axetat 30%. Sau đó phải thử xem đã hết tạp chất chưa, nghĩa là đem lọc một ít nước trên và thêm một ít chì axetat nữa, nếu còn thấy đục thì phải cho thêm chì axetat nữa. Làm như vậy cho đến khi dung dịch lọc, thêm chì axetat không còn kết tủa nữa. Để yên một đêm. gạn lấy nước trong, lọc qua phễu Buchner, sau cùng rửa chất cặn trên phễu bằng 2 lít rượu 25°. Dồn các nước trong lại và đổ dần vào đó 2 lít dung dịch natri sunfat 15%, mỗi lần chừng nửa lít và quấy cho đều, lọc qua giấy, thử xem phần lọc thêm dung dịch natri sunfat vào xem còn đục không. Nếu còn đục thì phải thêm cho đến khi hết chì axêtat.

- Giai doạn tinh chế. Cho các dung dịch đã loại tạp chất vào một bình thuỷ tinh đặt trên nồi cách thuỷ và đun để thu hồi cồn. Nhiệt độ trong bình phải luôn luôn ở 50-55°. Nếu cao quá glucozit sẽ hỏng. Muốn vậy phải cất trong chân không 700- 720mm thuỷ ngân. Đem cô còn chừng 8 lít, để nguội, vớt những cục glucozit thô ra. Hiệu suất chừng 48-50g glucozit thô. Cho chỗ glucozit thô này vào một bình nửa lít và một số cồn 700 (chừng 200m1), đặt bình này trong nồi cách thuỷ và lắc cho đến khí tan hết. Lọc và cho vào tủ lạnh trong 2 ngày. Neriolin sẽ kết tinh, nhưng chưa được tinh khiết lắm. Cần phải kết tinh hai lần nữa. Muốn vậy hoà neriolin nói trên trong cồn 500 (chừng 200ml) lọc và để vào tủ lạnh. Làm lại một lần thứ hai nữa, neriolin sẽ rất tinh khiết.

 

Toàn cây trúc đào đều chứa độc tố

─────

D. BẢO QUẢN

Cần phơi lá trúc đào ngoài gió hay ở nơi nhiệt độ thấp hơn 600.

Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát

─────

E. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Trong các bộ phận của cây đều chứa chất nhựa màu kem, vàng vàng rồi hóa lục. Trong lá Trúc đào người ta nghiên cứu thấy có cardenolid, oleandrin, oleasids A…F, neriolin. Trong lá còn chứa nhựa, tanin, một loại parafin, vitamin C, tinh dầu.

Lá chứa hoạt chất chính là các glycosid tim, có 17 glycosid tim khác nhau. Hàm lượng glycosid tim toàn phần trong lá là 0,5%. Đáng chú ý là các glycosid: Oleandrin (Neriolin), deacetyloleandrin, Neriantin, adynerin.

─────

F. TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Neriolin làm chậm nhịp tim, kéo dài thời kỳ tâm trương, tác dụng lên tim đến rất nhanh. Ngoài ra còn có tác dụng thông tiểu, giảm hiện tượng phù.

G. TÍNH VỊ, CÔNG DỤNG

Trúc đào có vị đắng, chát, tính bình, có độc mạnh, có tác dụng cường tâm (trợ tim). Toàn cây và nhựa cây lợi niệu, phát hãn, khư đàm, tán ứ chỉ thống, giải độc thấu chẩn.

Ngoài ra còn có thể trị suyễn khan, động kinh, đòn ngã, tâm lực suy kiệt.

Liều dùng:

Trúc đào là vị thuốc rất độc, tuyệt đối không dùng, các trường hợp đặc biệt cần tuân thủ hướng dẫn của các y bác sĩ.

─────

H. ỨNG DỤNG LÂM SÀNG

Trúc đào vì có tính độc mạnh nên thường chỉ được sử dụng là dược liệu để chiết xuất hoặc sử dụng ngoài da để điều trị mẩn ngưa ghẻ lở ngoài da.

Chú ý là cây rất độc, dùng theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc và phải cẩn thận. Cấm dùng Trúc đào làm thang thuốc sắc hoặc ngâm rượu thuốc.

─────

I. THAM KHẢO THÊM

- Biểu hiện ngộ độc trúc đào:  Nôn dữ dội, sau đó mệt lả, không buồn nôn. Nhức đầu, chóng mặt, đau bụng. Mạch chậm dần, rối loạn nhịp tim, nặng hơn có thể trụy tim mạch, tụt huyết áp, hôn mê. (Đây là tình trạng ngộ độc Glocozide tim)

- Giải độc và điều trị: Gân nôn, rửa dạ dày, sau đó ủ ấm, theo dõi mạch, huyết áp thường xuyên. Nhanh chóng chuyển lên tuyến trên, nhịp tim quá chậm (dưới 50 lần/ phút) có thể tiêm dưới da Atropin liều 0,5 – 1,0 mg (2- 4 ống loại 1/4mg). Và có thể tiêm nhắc lại lần 2 sau 2 giờ (liều dùng 1/4mg).

Hoa cây trúc đào đẹp nhưng có độc

Lưu ý:

- Động vật ăn phải lá Trúc đào tươi cũng bị ngộ độc. Người ăn thịt súc vật bị chết vì lá Trúc đào cũng sẽ bị ngộ độc theo.

- Khi khô hoặc đun ở nhiệt độ sôi, chất độc trong trúc đào không bị phân hủy.

- Hoa trúc đào tuy ít độc hơn nhưng vẫn có thể gây tử vong.

- Khi dùng chữa bệnh ngoài da để rửa cần chú ý tránh ngộ độc.

- Có nơi dùng bột vỏ thân cây này để diệt chuột.

- Không trồng cạnh hoặc trên nguồn nước vì lá hoặc hoa Trúc đào rụng xuống làm nhiễm độc nước, uống lâu ngày sẽ ngộ độc.

- Chú ý không cho trẻ nhỏ chơi đùa gần loại cây này. 

Ý kiến bạn đọc