Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, chúng tôi không khuyến khích việc nhân giống, trồng, sử dụng, mua bán, cho - nhận cây anh túc và các chế phẩm từ cây anh túc dưới mọi hình thức. Trên quan điểm cây được dùng để làm thuốc, cũng như các tài liệu của cấp có thẩm quyền đã công bố về cây anh túc, chúng tôi xin được giới thiệu những thông tin về cây anh túc như sau:
─────
- Tên thường gọi: Cây Anh túc, Cây Thuốc phiện
- Tên gọi khác: Anh tử xác, Cù túc xác, Oanh túc xác, Phù dung, A tử túc, A phiến, Giới tử xác, Mễ nang, Mễ xác, Túc xác (Hoà Hán Dược Khảo), Mễ xác (Dị Giản Phương), Ngự mễ xác (Y Học Khải Nguyên), Yên đầu đầu, Nha phiến yên quả quả (Trung Dược Chí).
Cách gọi hiện nay là Cải Cúc Pháp, Cây 138 để ám chỉ về cây Thuốc phiện nhằm tránh sự chú ý của cơ quan chức năng.
Anh túc sác là vị thuốc của cây anh túc.
- Tên khoa học: Fructus paraveris Deseminatus
- Tên Trung Quốc: 虞美人
- Họ: Thuộc họ thuốc Phiện (Papaveraceae).
Hoa và quả của cây anh túc
─────
Anh túc là cây sống hàng năm hoặc 2 năm, cây ưa độ cao, khí hậu mát mẻ, phân bố rộng khắp trên thế giới, ở nước ta trước đây các tỉnh miền núi phía Bắc có rải rác, nhưng hiện nay, do việc trồng và sử dụng, buôn bán, tàng trữ cây này là bất hợp pháp do vậy gần như tuyệt đối không tìm thấy cây anh túc, chỉ trừ những trường hợp lén lút trồng số lượng ít để làm rau ăn, thân già ngâm rượu trong phạm vi gia đình nhưng công dụng, cách dùng cây này thì nhiều người còn rất mơ hồ.
Thân cây anh túc nhẵn, trên có phủ phấn trắng, thân mọc thẳng cao 0,7-1,5m, ít phân nhánh, toàn thân nhiều nhựa mủ màu trắng, để lâu sẽ chuyển thành đen.
Lá anh túc mọc so le, hình trứng dài 6-50cm, rộng 3,5-30cm đầu trên nhọn, đầu phía cuống nhọn hoặc hơi hình tim, lá ở dưới có cuống ngắn, lá phía trên không cuống, mọc ôm sát vào thân cây.
Hoa màu tím hoặc trắng, hồng, cam (tùy vào từng loại), hoa mọc đơn độc ở đầu thân hoặc đầu cành có cuống dài 12- 14cm, đài hoa có hai lá dài màu xanh sớm dụng, lá đài dài 1,52cm. Tràng có 4 cánh, dài 5-7cm, màu trắng hoặc hồng hay tím. Nhị nhiều, bao vây một bầu có một ngăn gồm 15-20 lá noãn dính liền nhau thành hình cầu.
Quả là một nang hình cầu hoặc hình trụ dài 4-7cm, đường kính 3-6cm, khi chín có màu vàng xám, cuống quả phình to ra, đỉnh quả còn lại núm. Trong quả chín có rất nhiều hạt nhỏ, hơi giống hình thận, trên mặt có vân hình mạng nhỏ dài 0,5-1mm, màu xám trắng hoặc xám đen.
Khi hái quả để làm anh túc xác thường ta thấy trên mặt quả có các vết ngang hoặc dọc tùy theo cách lấy nhựa, mỗi vết gồm 3-4 đường. Mùa hoa tháng 4-6. Mùa quả tháng 6-8.
Hoa cây anh túc
─────
- Thành phần có trong anh túc xác: mocphin, nacotin, axit meconic, axit tactric, axit xitric, papaverin và một chất gọi là papaverrozin (tinh chất muối và sáp)
- Quả non có ít ancaloit hơn quả chín.
+ Vỏ quả xanh chứa: 0,02-0,05% mocphin, cả nacotin và codein vào khoảng 0,0113-0,0116.
+ Vỏ quả chín chứa: 0,5% mocphin, 0,018% nacotin và codein 0,028% nacotin và codein 0,028%.
- Trong sáp của vỏ quả chủ yếu gồm este của axit panmitic, axit xerotic và cồn xerylic.
- Tùy vào từng vùng, thời gian thu hái mà các thành phần trên có thể thay đổi.
- Khi phân tích 1 loại Anh túc xác ở Trung Quốc, nhận thấy các thành phần như sau: Mocphin 0,012%, cedein 0,010%, nacotin, 0,022%, naxein 0,003 và một ít papaverin. Trong hạt thuốc phiện có 40-50% chất dầu, 18,4-21,6% chất protit, 0,25-0,94% lexitin, men (diastaza) emunsin, lipaza, nucleaza và pectin. (Năm 1942, công trình của Diệp Bích Nguyên).
─────
Đông y đánh giá, anh túc có vị chua, tính sáp, quy vào 3 kinh: Phế, Đại trường và Thận. Công dụng cố thu chính khí, thu liễm phế khi, chỉ khái, chỉ thấu, cầm không cho đại trường ra máu, cầm tiêu chảy lâu ngày, đau bụng, ho lâu ngày.
Trước đây, người ta dùng anh túc xác để trị hoa lâu ngày, lao, hen suyễn, thủy tả không cầm, lỵ lâu ngày. Nhưng khi dùng phải hết sức cẩn thận bởi anh túc là con dao 2 lưỡi có thể gây nguy hiểm cho người dùng.
Quả và hoa cây anh túc
─────
Gần đây rộ lên loại rượu cây anh túc có tác dụng bồi bổ sức khỏe cho Nam giới, uống vào sẽ trị được nhiều bệnh. Nhiều người còn công khai hình ảnh, video cây này lên mạng xã hội để quảng cáo với những công năng được thổi phồng, làm cho nhiều người lầm tưởng, hám của lạ rồi mua về sử dụng.
Nhưng tác dụng được quảng cáo chưa thấy đâu, mà tác hại đã hiện lên ngay trước mắt:
- Thứ nhất, việc mua bán, tàng trữ, sử dụng cây anh túc (cây thuốc phiện) đã vi phạm vào Điều 194 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 (văn bản mới: Bộ luật hình sự năm 2015) và Điều 3 Mục II Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP hướng dẫn áp dụng các tội phạm về ma tuý.
- Thứ hai, cây anh túc không có tác dụng như một loại thuốc thần dược mà nhiều người thổi phồng, hơn nữa, đây cũng là con dao 2 lưỡi, có thể gây nghiện mà còn nguy hiểm đến tính mạng nếu sử dụng lâu dài.
- Rượu thuốc phiện trước đây chỉ được dùng trong gia cầm, chữa bệnh tiêu chảy, cúm... còn đối với con người, chỉ những người có chuyên môn mới được phép dùng loại thuốc này. Rượu ngâm cây thuốc phiện chưa có tài liệu nào đề cập đến công dụng của nó đối với sức khỏe, có chăng chỉ là thành phần mocphin sẽ gây cảm giác hưng phấn, kích thích thần kinh và gây nghiện.
- Dùng rượu cây 138 (cải cúc Pháp - theo cách gọi của giới buôn bán cây này trái pháp) đã có nhiều người bị xơ gan, suy thận, suy giảm sinh lý, ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
─────
Xem thêm: Kim anh, cây thuốc quý trị di mộng tinh
─────
Trên đây là những thông tin về cây anh túc, cùng những cảnh báo đối với những ai còn mơ hồ, lầm tưởng về cây thuốc phiện có tác dụng thần kỳ như những lời đồn thổi. Quan điểm của các bạn về vấn đề này như thế nào, hãy cho chúng tôi biết vào phần bình luận phía dưới nhé.