Bông báo là dạng cây dây leo hay còn có tên bông xanh, hoa rủ dài xuống rất đẹp, thường được trồng làm cảnh, với các vị lương y vùng cao thì đây được coi là khắc tinh của nhiều loài rắn độc, thực tế rất nhiều người bị rắn cắn đã được cứu sống nhờ cây thuốc này.
─────
- Tên thường gọi: Bông báo
- Tên khác: Bông xanh, đại hoa lão nha thuy, madia (Mèo).
- Tên khoa học: Thumbergia grandiflora (Rottl et Willd) Roxb.
- Họ: Acanthanceae (Họ Ô rô)
Hoa cây bông báo
─────
Bông báo thuộc dạng dây leo thành giàn hoặc leo trong tự nhiên, chiều dài có thể lên tới 20m. Thân hình trụ có lông, nhiều đốt, rỗng bên trong, lá mọc đối 2 mặt có nhiều lông ráp (mặt dưới nhiều hơn), cuống lá dài 3-4cm, phiến lá hình tim hoặc hình bầu dục, đầu nhọn, chia nhiều thùy không đều, dài 10-15cm, rộng 5-10cm, gân lá hình chân vịt nổi rõ ở mặt dưới.
Hoa màu trắng-tím-vàng mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành, tạo thành chùm dài đến hơn 1m, rũ thõng xuống. Mùa hè, mùa thu cây ra hoa thành từng chùm thõng xuống trông rất đẹp, sang mùa đông hoa tự rụng đi còn chơ lại phần cuống. Chưa thấy quả của cây bông báo trong tự nhiên.
─────
Bông báo mọc hoang tự nhiên nhưng khá hiếm gặp, có nhiều người biết đến công dụng chữa rắn cắn của cây này nên đem về trồng làm thuốc và cũng để làm cảnh. Trên thế giới xuất hiện ở Ấn Độ và miền Nam Trung Quốc với tên đại hoa lão nha thủy.
Cách trồng chủ yếu bằng thân già (nhưng trồng cũng khá khó sống), lấy khoảng 1m thân già cuộn lại, vùi kín đất chỉ để hở chừng 20cm phần ngọn.
Để dùng làm thuốc, thường hái lá tươi, phơi hoặc sấy khô tùy từng trường hợp cụ thể.
Giàn cây bông báo vừa làm cảnh, vừa làm thuốc
─────
Bông báo có vị ngọt, tính bình, tác dụng giảm đau, tiêu sưng, làm lành vết thương, được dùng để chữa rắn độc cắn là chủ yếu, bên cạnh đó, nhiều vị lương y đã dùng lá và thân cây này để điều trị các khối u, ung bướu, bệnh ung thư với quan điểm lấy độc để trị độc, tuy nhiên khi dùng cần thêm vị thuốc trung hòa độc tính của cây này.
─────
- Garo vết thương: Dùng dây hoặc khăn buộc lên trên vết cắn chừng 15cm để ngăn nọc độc chạy vào tim, nặn máu độc ra.
- Mau chóng lấy 1 nắm lá bông báo tươi bỏ cuống, rửa sạch, giã nát, thêm ít nước vào, vắt lấy nước, lấy nước này xoa bóp từ trên xuống dưới nơi rắn cắn chừng 5-10 phút, rồi lấy bã đắp lên vết cắn.
- Cứ chừng 1 giờ lại làm như vậy, 4 - 5 lần làm như vậy sẽ thấy kết quả. Chú ý: Không uống nước lá cây bông báo.
Dùng kết hợp bông báo với bông vang và hạt quả quất hồng bì. Đây là kinh nghiệm của một vị lương y miền núi, các bạn theo dõi video dưới đây để biết thêm về kinh nghiệm này:
Ngọn non cây bông báo
Lá già có nhiều lông ráp cả 2 mặt
Dây cây bông báo rỗng bên trong nên rất khó nhân giống bằng phương pháp giâm cành
─────
Trên đây là đặc điểm nhận dạng và kinh nghiệm dùng cây bông báo chữa rắn cắn, riêng kinh nghiệm dùng bông báo chữa khối u đang được xem xét và nghiên cứu kỹ lưỡng, việc dùng vị thuốc này cần hết sức cẩn trọng. Nếu có thể, bạn hãy trồng 1 giàn cạnh nhà, vừa làm cảnh nhưng lại là cây thuốc cấp cứu khi không may có người thân bị rắn độc cắn.
Nếu thấy bài viết này hữu ích, hãy chia sẻ để cho nhiều người cùng biết đến cây bông báo bạn nhé. Cảm ơn bạn!