Bông vang cây thuốc chữa rắn cắn rất hay

17/02/2020, 08:42 AM
  • Chia sẻ
  • zalo

Bông vang hay còn gọi vông vang là cây mọc hoang ở vùng ẩm ướt, bờ ruộng, ven suối, chân núi, cây có nhiều công dụng, nhưng tác dụng điển hình nhất là trị độc khi bị rắn cắn.

─────

A. TÊN GỌI 

- Tên thường gọi: Bông vang.

- Tên khác: Vông vang, Bụp vàng.

- Tên khoa học: Abelmoschus moschatus (L.) Medic.

- Họ: thuộc họ Bông - Malvaceae.

─────

B. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN

Bông vang là cây thảo sống 2 hoặc vài năm, chiều cao cây chừng trên dưới 2m, ngọn, lá non, quả có nhiều lông ráp. Lá mọc so le có cuống dài, gân lá chân vịt, phiến chia thành 5-6 thùy, ngoài mặt có lông, mép khía răng; lá kèm rất hẹp, lá có nhiều nhớt. Hoa to, màu vàng lưu huỳnh nổi bật, phần trung tâm nâu tím mọc riêng lẻ ở nách lá. Quả nang, có lông trắng cứng, dài 4-5cm, chia làm 5 ô, hình bầu dục, đỉnh nhọn. Hạt nhỏ, hình thận, màu nâu.

Để nhận dạng chính xác cây bông vang trong tự nhiên, mời các bạn theo dõi video dưới đây:

C. BỘ PHẬN DÙNG CÂY BÔNG VANG

Tất cả các bộ phận trên cây đều có thể dùng làm thuốc.

─────

D. NGUỒN GỐC VÀ THU HÁI

Vông vang có nguồn gốc từ Ấn Độ, trở thành cây mọc hoang ở các vùng núi, ở các nương rẫy trên các đồi khắp nước ta. Thu hái toàn cây quanh năm. Lá dùng tươi hay phơi trong râm đến khô. Rễ đào về, rửa sạch, thái nhỏ, dùng tươi hay phơi khô. Hoa thu hái vào mùa hè. Hạt lấy từ quả chín vào mùa thu, đem phơi khô.

─────

E. THÀNH PHẦN HÓA HỌC CÂY BÔNG VANG

Các thí nghiệm gần đây có biết hạt quả bông vang chứa một chất dầu cố định màu vàng, mà thành phần chính là các terpen, alcol (farnesol) ether, acid (acdi linoleic 18,9% acid palmitic 4,20%). Chất dầu này có mùi xạ hương rất đậm nét, được dùng làm hương liệu, làm xà phòng thơm. Hoa chứa các flavonoid, myricetin và canabistrin.

─────

F. TÍNH VỊ, TÁC DỤNG CỦA BÔNG VANG

Bông vang có vị hơi ngọt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, bạt độc bài nung, tiêu thũng chỉ thống. Lá có vị nhạt, nhiều nhớt, tính mát, có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, tiêu độc, sát trùng, hoạt thai. Hạt có tác dụng hạ sốt, chống co thắt, kích thích và lợi tiểu.

Ngọn non cây bông vang có nhiều lông ráp

─────

G. CÔNG DỤNG, CHỈ ĐỊNH

- Lá dùng trị táo bón, thủy thũng; cũng dùng trị ung sang thũng độc, đau móng mé, gãy xương.

- Rễ dùng trị nhức mỏi chân tay, các khớp sưng nóng đỏ đau, co quắp, mụn nhọt, viêm dạ dày - hành tá tràng và sỏi niệu.

Ở Trung Quốc, người ta dùng rễ trị sốt cao không lui, ho do phổi nóng, sản hậu tuyến sữa không thông, đái dắt, lỵ amip, sỏi niệu đạo.

- Hoa dùng trị bỏng lửa, cháy.

- Hạt được dùng trị đau đầu, đái dầm, làm thuốc kích thích ruột và thận. Dân gian còn dùng làm thuốc trị rắn cắn.

Liều dùng: Lá 20-40g, rễ 10-15g, sắc uống. Dùng ngoài, giã lá tươi đắp. Hạt dùng với liều 10-12g giã giập, thêm nước lọc uống hoặc sắc uống.

─────

H. CÁC BÀI THUỐC LIÊN QUAN

1. Chữa rắn cắn:

Dùng lá bông vang kết hợp với lá bông báo, và hạt quả quất hồng bì.

Mời bạn xem lại video ở phần B. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN để biết rõ hơn về bài thuốc này nhé.

2. Chữa đái đục:

Dùng rễ cây Vông vang 1 nắm, giã nát đổ nước sắc lấy 1/3, phơi sương 1 đêm, uống vào lúc đói.

3. Chữa có thai lậu nhiệt, đái dắt:

Dùng hạt Vông vang, Mộc thông, Hoạt thạch, lượng bằng nhau, tán bột, uống mỗi lần 8-12g với nước hành, hay sắc nước uống

4. Chữa đại tiện không thông, bụng trướng:

Dùng hạt Vông vang 20g sắc uống 3 thang liền.

─────

Trên đây là những bài thuốc dùng cây bông vang. Bạn đã nhận biết được cây bông vang trong tự nhiên chưa? Bạn còn bằn khoăn gì về cây thuốc này không? Hãy cho chúng tôi biết vào phần bình luận phía dưới.

Nếu bạn thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này cho bạn bè và người thân bạn nhé.

Ý kiến bạn đọc