Dành dành chi tử cây thuốc nam nhiều công dụng mỗi nhà nên có 1 cây

18/09/2023, 22:14 PM
  • Chia sẻ
  • zalo

Dành dành là cây thuốc nam quý thường được trồng làm cảnh và làm thuốc ở nước ta, quả cây dành dành cho vị thuốc chi tử nên trong nhân dân thường gọi liền là dành dành chi tử.

Tên khoa học: Gardenia jasminoides Ellis., họ cà phê (Rubiaceae). 

Dành dành có dạng cây nhỏ, nhẵn, cành mềm khía rãnh dọc, lá mọc đối hay mọc vòng 3, hình thuôn trái xoan, đôi khi bầu dục dài, tù và có mũi nhọn ở đỉnh, hình nêm ở gốc, gân mảnh nổi rõ, lá kèm mềm, nhọn đầu ôm lấy cả cành như bẹ. Hoa mọc đơn độc ở đầu cành, trắng, rất thơm. Quả thuôn bầu dục có đài còn lại ở đỉnh, có 6-7 cạnh dọc có cánh. Hạt rất nhiều, dẹt. Ra hoa từ tháng 4-11. Quả tháng 5-12.

Lá cây dành dành chi tử

- Hoa có vị đắng tính hàn; tác dụng thanh phế lương huyết. Chữa phế nhiệt, ho có đờm đặc (mỗi lần dùng 3 hoa, thêm mật ong, hấp chín); chữa chảy máu cam (hoa khô tán bột, thổi vào mũi).

- Quả dành dành hình chén nhỏ khô của cây dành dành cho vị thuốc chi tử. Quả chín có tên thuốc “chi tử”, vị đắng, tính hàn; vào các kinh tâm, phế, can và vị. Có tác dụng tả hỏa trừ phiền, thanh nhiệt lợi thấp, lương huyết, giải độc. Chữa chứng nhiệt, tâm phiền, sốt cao bứt rứt, thấp nhiệt vàng da, tiểu tiện ít đỏ, nhiệt lâm, huyết nhiệt, xuất huyết, ung thũng sang độc. Liều dùng: 8 - 20g.

- Lá có vị đắng chát, tính hàn; tác dụng tiêu thũng, tán ác sang. Chữa nhọt độc, đầu đinh, vết thương, trị mắt đỏ.

Hoa cây dành danh

- Rễ có vị đắng tính hàn; tác dụng thanh nhiệt lương huyết, giải độc. Chữa sốt cảm mạo, viêm gan vàng da, thổ huyết, chảy máu cam, viêm thận phù thũng. Ngày dùng 15-30g, sắc uống.

Một số cách bào chế quả Chi tử:

+ Hái trái về bỏ tai và vỏ, chỉ lấy hạt, ngâm với nước sắc Cam thảo một đêm, vớt ra phơi khô tán bột dùng (Lôi Công Bào Chích Luận).

+ Trị bệnh ở thượng tiêu, trung tiêu thì dùng cả vỏ xác, trị hạ tiêu thì bỏ vỏ xác rửa sạch nước màu vàng rồi sao mà dùng, trị bệnh thuộc huyết thì sao đen dùng (Đan Khê Tâm Pháp).

+ Sau khi hái về phơi hoặc sấy khô ngay, nếu sấy thì lúc đầu lửa to về sau nhỏ dần, đảo trộn nhẹ để làm vỏ quả không bị trầy sát, cũng đề phòng tình trạng ngoài khô trong ướt, dễ thối mốc (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Quả chín kẹp lẫn với ít phèn chua, cho vào nước sôi cùng nấu độ 20 phút, vớt ra phơi khô vỏ, lại sấy khô cho giòn. Khi dùng muốn dùng sống, sao hoặc đốt cháy tùy từng trường hợp (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
Cây Dành Dành chi tử
Một số cách dùng chi tử trị bệnh:

Tả hỏa, trừ phiền:

- Bài 1: Chữa chứng hỏa bốc (nhức đầu, đau mắt, ù tai, chảy máu mũi). Chi tử (sao vàng) 16g, thảo quyết minh (sao đen). Sắc uống.

- Bài 2: Chữa nhiệt uất trong ngực, tim hồi hộp không yên. Chi tử 12g, đậu thị 8g. Sắc uống. 

Quả cây dành dành chi tử

Lương huyết, cầm máu:

- Bài 1: Chi tử 16g, hoàng cầm 12g, rễ cỏ tranh 20g, tri mẫu 12g, cát cánh 8g, cam thảo 4g, trắc bách diệp 12g, xích thược 12g. Sắc uống. Chữa các chứng huyết nhiệt gây thổ huyết, chảy máu cam, đi lỵ ra máu, tiểu rỉ ra máu, đau rát...

- Bài 2: Thang chi tử nhân: chi tử 16g, mao căn 20g, đông quỳ tử 12g, cam thảo 8g. Sắc uống. Trị viêm bàng quang cấp, tiểu ra máu, nóng buốt.

- Bài 3: chi tử (sao vàng), hòe hoa đều 20g. Sắc, khi uống thêm ít muối. Chữa thổ huyết, ho ra máu.

- Bài 4: Chi tử nhân, sao cháy đen, uống 1 muỗng với nước (Thực Liệu phương). Trị đại tiện ra máu tươi.

Lợi thấp, lui hoàng (đản): Chi tử 16g, hoàng bá 12g, cam thảo 4g. Sắc uống. Trị viêm gan cấp tính, hoàng đản do thấp nhiệt, tim nóng hồi hộp, bụng trướng, tiểu tiện đỏ vàng và ít, toàn thân vàng.

Đau mắt đỏ:

Hái 7 lá (nam) hoặc 9 lá (nữ) cây dành dành rửa sạch, ngâm qua nước muối loãng, vẩy nước giã thật nát. Chia đôi thuốc đắp lên mắt (qua lớp gạc y tế mỏng). Bệnh nhân nằm yên trong 90 đến 120 phút, là mắt sẽ trong veo trở lại.
Ở những nơi không có cây dành dành, thì lấy 6-7 quả, bóc vỏ, giã nát cho vào 4 bát nước (khoảng 1 lít). Đun sôi, hạ lửa còn 3 bát, chia 3 uống sáng- trưa- tối cũng tốt. Ngày 1 thang. Dùng 3 ngày là khỏi

Chú ý: Người tỳ vị hư, tiêu chảy kiêng dùng.

Video về cây Dành dành, chi tử:

Ý kiến bạn đọc