Diếp cá, cây thuốc trị lòi dom ít người biết tới

25/11/2019, 22:50 PM
  • Chia sẻ
  • zalo

Diếp cá có vị chua, cay, mùi tanh như cá, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát khuẩn, lợi tiểu, tiêu thũng, được dùng chữa lòi dom, trĩ, đau mắt đỏ hoặc nhiễm trực khuẩn mủ xanh, sốt, phát ban, sứng tắc tia sữa...

─────

A. TÊN GỌI

- Tên thường gọi: Diếp cá

- Tên khác: Rau dấp cá, ngư tinh thảo, co vầy mèo (Thái), phjắc hoảy (Tày), cù mua mía (Dao).

- Tên khoa học: Houttuynia cordata Thunb.

- Tiếng trung: 魚 腥 草

- Họ khoa học: Thuộc họ Dấp cá (Saururaceae)

─────

B. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN CÂY DIẾP CÁ

Cây diếp cá là gia vị quen thuộc, không thể thiếu trong đời sống ẩm thực người Việt. Cây thuộc dạng thân thảo nhỏ có thân ngầm mọc bò ngang, màu trắng, bén rễ ở các mấu. Thân trên không, đứng thẳng, cao 20 - 40cm, màu tím đỏ, có khía. Lá mọc so le, hình tim, mặt dưới màu tím, hai mặt hơi có lông, cuống lá dài có bẹ. Cả cây vò ra có mùi tanh như mùi cá.

Cụm hoa mọc thành bông ngắn ở ngọn thân; hoa nhỏ, nhiều, màu trắng, vàng nhạt, lá bắc 4 cái màu trắng, không có bao hoa, nhị 3. Quả nang, hạt nhẵn. Mùa hoa quả: tháng 5-7.

 

cây diếp cá

Cây diếp cá được trồng làm rau ăn

Trên thế giới, diếp cá phân bố ở vùng nhiệt đới châu Á, bao gồm các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cây mọc hoang ở khắp các tỉnh có cả ở đồng bằng, trung du và miền núi. Thường mọc ở nơi ẩm, ướt nhiều mùn trong mộng nước nông, bò khe suối, mương máng. Cây không kén đất, khí hậu, miễn có độ ẩm và bóng mát, cây có thể xanh tốt quanh năm.

─────

C. THU HÁI, CHẾ BIẾN DIẾP CÁ

Cả cây diếp cá, trừ rễ, thu hái vào mùa xuân - hè, đem về, loại bỏ tạp chất, rửa sạch, dùng tươi (phổ biến hơn) hoặc phơi khô.

─────

D. CÔNG DỤNG RAU DIẾP CÁ

Theo các sách thuốc cổ, diếp cá có vị chua, cay, mùi tanh như cá, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát khuẩn, lợi tiểu, tiêu thũng, được dùng chữa lòi dom, trĩ, đau mắt đỏ hoặc nhiễm trực khuẩn mủ xanh, sốt, phát ban, viêm ruột, kiết lỵ, tiểu tiện khó, đái nhắt, đái buốt, sản giật trẻ em, tắc sữa.

Liều dùng hàng ngày: 6 - 12g (cây khô) hoặc 20 - 40g (cây tươi) dưới dạng ép lấy nước, sắc làm bột hoặc viên. Dùng ngoài, lá tươi giã đắp.

Đặc biệt, lá diếp cá được dùng rất phổ biến trong nhân dân làm thuốc chữa lòi dom (trĩ ngoại) và đau mắt. Để chữa lòi dom, lấy muối ăn hòa với nước, rửa sạch dom, rồi giã nhỏ lá diếp cá đặt lên lá chuối, đắp vào dom, băng lại. Còn để chữa đau mắt đỏ, loét giác mạc do trực khuẩn mủ xanh, lấy lá diếp cá tươi, rửa sạch, giã nát, ép vào hai miếng gạc sạch rồi đắp lên mắt khi đi ngủ. Viện Mắt trung ương đã cải tiến dạng dùng dân gian này thành dạng thuốc nước nhỏ mắt dùng cho rất nhiều trường hợp khỏi bệnh, đạt kết quả hơn 83%.

 

Công dụng của cây diếp cá

Cây diếp cá có hoa màu trắng, vàng nhạt

─────

E. CÁC BÀI THUỐC DÙNG DIẾP CÁ

Diếp cá thường dùng để ăn sống, nhưng trong thực tế, đây cũng là một vị thuốc có rất nhiều công dụng hay với tên gọi ngư tinh thảo, dưới đây là những bài thuốc dùng ngư tinh thảo.

1. Diếp cá chữa bệnh trĩ:

- Diếp cá (50g) nấu với nước cho đặc, đem xông, rồi đợi khi nước còn ấm. Rửa sạch trĩ, sắp bã vào chỗ đau. Nếu trĩ chảy máu, lấy diếp cá (2 phần), rễ bạch cập (1 phần), phơi khô, tán bột, ngày uống 6 - 12g, chia 2 - 3 lần.

- Kết hợp với uống nước cốt hoặc nước sắc rau diếp cá, ngày 2 - 3 lần.

Tham khảo thêm: Cách dùng thầu dầu tía trị bệnh trĩ rất hiệu nghiệm

2. Chữa đơn sưng, cả người nóng, sốt, mẩn đỏ:

Diếp cá, nhọ nồi, cải rừng, xương sông, dưa chuột, khế, đơn đỏ, huyết dụ, nhài, mía dò (tất cả dùng lá, mỗi thứ 15g), xích hoa xà (3 lá), bí đao (3 miếng), củ nâu (3 miếng). Tất cả giã nát, thêm nước, vắt lấy nước cốt uống, lấy bã xoa đều khắp chỗ sưng đỏ.

3. Trị bệnh viêm phổi

Để chữa viêm phổi, viêm ruột, viêm thận phù thũng, lỵ lấy rau diếp cá 50g, sắc lấy nước, ngày uống 2-3 lần, cần dùng 3-5 ngày.

Hoặc:

- Diếp cá 40g, Cát cánh 20g sắc uống hoặc tán bột uống. (Ngư tinh thảo Cát cánh thang)

- Diếp cá 40g, trứng gà 1 quả. Cho thuốc ngâm vào nước 1 chén, ngâm 1 tiếng đồng hồ rồi sắc lên (không sắc lâu) bỏ xác cho trứng khuấy đều, ăn mỗi ngày 1 lần từ nửa tháng đến 1 tháng.

Còn để chữa viêm phổi do sởi, dùng rau diếp cá, rau dền đỏ, lá đậu săng, cam thảo đất mỗi thứ 50g, sắc 3 bát nuớc còn lại 1 bát, chia làm 3 phần, uống trong ngày.

Một số bài khác về phổi:

- Diếp cá tươi 80g, phổi lợn 1 cái, nấu chín ăn cả nước, cứ 2 - 3 ngày 1 lần, uống 3 - 5 lần trị áp xe phổi

- Diếp cá 30g sắc uống lúc nóng, ngày 1 lần trị các bệnh áp xe phổi, lao phổi, giãn phế quản, viêm phế quản đều có kết quả.

4. Trị hội chứng thận hư:

Mỗi ngày dùng Diếp cá khô 100g, trong nước sôi hoặc sắc nhỏ lửa ít phút uống thay nước chè cũng rất tốt cho người bị chứng thận hư.

 

Cây diếp cá chữa nhiều bệnh

Rau diếp cá gần như xanh tốt quanh năm

5. Trị viêm đường tiểu, sỏi tiết niệu:

Thuốc có tác dụng lợi tiểu, thông lâm, dùng bài: Diếp cá, Xa tiền tử 20g, Kim tiền thảo 40g, sắc uống.

Ngoài ra, Rễ diếp cá tươi 80g giã nát, ngâm vào nước vo gạo 1 chén trong 1 giờ bỏ bã uống ngày 2 lần trong 2 ngày, trị nhiệt lâm và viêm tuyến tiền liệt cấp.

6. Chữa đái dắt, đái buốt:

Diếp cá, rau má mỗi vị 40g; mã đề 20g. Tất cả dùng tươi, rửa sạch, giã nát, lọc lấy nước uống 2 lần trong ngày.

7. Diếp cá chữa viêm âm đạo:

Cây diếp cá tươi 100g, bồ kết 30g, tỏi 2 củ (vừa).

Diếp cá rửa sạch, quả bồ kết nướng chín, tỏi bỏ vỏ giấy bên ngoài, dập cho nát. Cho bồ kết vào nồi cùng với 2 lít nước đun sôi nhỏ lửa chừng 5 phút. Tiếp tục cho tỏi vào và để sối thêm 5 phút nữa. Cho bệnh nhân xông hơi nóng vào vùng kín, sau đó dùng nước đã nguội để ngâm, rửa chỗ đau. Ngày làm 1 lần, làm trong 7 ngày liền thì bệnh sẽ thuyên giảm hẳn. 

8. Trị loét cổ tử cung:

Diếp cá và Băng phiến trộn làm dạng mỡ vaselin bôi trị 670 ca, kết quả đạt 86,2 - 99,3% (Tạp chí Trung y dược Thượng hải 1983,3:24).

9. Chữa sưng tắc tia sữa

Rau diếp cá 20g, táơ đỏ 10g, sắc với 600ml nước còn lại 200ml, chia 3 phần uống hết trong ngày.

10. Chữa viêm tuyến sữa

Rau diếp cá 30g, rau cải trời 30g, giã nát thêm chút nuớc, vắt lấy nuớc cốt uống, còn bã chưng nóng với giấm rịt vào chỗ vú sung đau. Ngày 1-2 lần.

11. Ngăn ngừa mụn với rau diếp cá và muối:

Để xử lý tình trạng da dầu của mình bạn có thể giã nát diếp cá rồi trộn với một chút muối hạt rồi bôi lên mặt. Muối giúp da săn chắc hơn, điều tiết chất nhờn, đặc biệt là vùng chữ T (trán, mũi, cằm). 

12. Chữa sởi:

Diếp cá, rau dệu mỗi vị 16g; đậu chiều 12g, cam thảo đất mỗi vị 12g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Thuốc chủ yếu làm sởi phát ra bên ngoài.

13. Trị viêm mũi teo:

Dùng nước cất Diếp cá nhỏ mũi hàng ngày trị 33 ca viêm mũi teo có kết quả tốt (Tạp chí Tân y dược học 1977,7:34).

10. Trị tả lị:

Dùng diếp cá tươi 80g (nếu khô 40g) sắc nước uống trị nhiệt tả lị mùa hè, viêm ruột cấp, lị cấp.

11. Chữa viêm ruột, kiết lỵ:

Diếp cá 20g, xuyên tâm liên 16g, hoàng bá 8g. Thái nhỏ, sắc uống ngày 1 thang.

12. Chữa sốt nóng, trẻ em sài giật:

Diếp cá 8g, củ xả 6g, quả xuyên tiêu 2g. Tất cả giã nát, thêm nước, gạn uống, bã đắp vào thái dương.

13. Hỗ trợ điều trị ung thư:

Phối hợp với Đông quỳ tử, Thổ phục linh, dùng bài: Ngư tinh thảo, Hạn liên thảo mỗi vị 24g; Đông quỳ tử, Thổ phục linh mỗi vị 40g, Cam thảo 6g sắc uống, trị ung thư phổi.

Có báo cáo dùng Diếp cá làm chủ dược chế bài thuốc trị ung thư máu có kết quả. Ho có mủ máu, đờm tanh hôi, đại trường có nhiệt độc, trĩ lở loét (Trấn Nam Bản Thảo).

Kiêng kỵ:

+ Hư hàn: không dùng (Trung Dược Học). Người hư hàn ăn nhiều dấp cá lâu ngày có thể làm dương khí bị tổn thương, tinh tuỷ bị tiêu hao

+ Mụn nhọt thể âm: không dùng (Trung Dược Học).

─────

Video giới thiệu về cây diếp cá:

─────

Trên đây là những bài thuốc trong dân gian dùng cây diếp cá. Nếu thấy bài viết này hữu ích, hãy dành 1 giây nhấn nút chia sẻ để giúp nhiều người biết đến bài viết này bạn nhé. Cảm ơn bạn!

Ý kiến bạn đọc