Han tía, cây thuốc hay trị hen phế quản

24/10/2019, 16:39 PM
  • Chia sẻ
  • zalo

A. TÊN GỌI

- Tên thường gọi: Cây han tía

- Tên khác: Nàng hai tía, Han lình, Han đỏ...

- Tên khoa học: Laportea violacea Gagnep.

- Họ: Urticaceae.

─────

B. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN

Khi lên các tỉnh miền núi, đặc biệt là vùng núi đá, nếu không cẩn thận bạn sẽ chạm phải cây han tía, cây có lá như lá tía tô nhưng lớn hơn, mọc thấp ở chân núi, nơi có nhiều ánh sáng, là nỗi khiếp đảm của nhiều người khi đi giã ngoại.

Han tía là loài cây mọc dại ở các vùng núi đá các tỉnh miền núi phía Bắc. Khác với các loài lá han khác, han tía có dạng thân thảo hoặc bụi nhỏ, chiều cao cây chỉ từ 20 cm đến trên 1 mét. Cây han tía phát triển mạnh vào mùa hè - thu, khi bị chặt phá vẫn có khả năng tái sinh chồi mới.

Thân phân nhiều nhánh nhẵn, có thể dùng tay bẻ gãy thân cây dễ dàng, lông ngứa không có trên thân mà chỉ tập chung ở trên lá. Lá hình trái tim, dài 8 - 12 cm, mép có răng cưa to, cuống lá dài 5 - 10cm, trên lá và cuống lá có nhiều lông ngứa. Mặt dưới lá có màu tím như màu lá cây tía tô, đây là đặc điểm để nhận biết dễ nhất cây này trong tự nhiên và tên gọi han tía cũng xuất phát từ đặc điểm này của lá.

Trên lá và cuống lá có nhiều lông ngứa

Cây ra hoa vào mùa hè. Ngù hoa cùng gốc hay khác gốc, ở nách lá, có lông, dạng chuỳ 4-8 nhánh; cụm hoa đực dài 5cm; cụm hoa cái dài 15-20cm. Hoa đực có 5 lá đài, 5 nhị, nhuỵ cái lép; hoa cái có 4 lá đài. Quả bế hình trái xoan dẹp, có mụn trên bề mặt, vòi nhuỵ cong.

Mặt dưới lá cây han tía

C. NHỮNG BÀI THUỐC LIÊN QUAN

- Bộ phận chính dùng làm thuốc của cây han tía là rễ, được thu hái quanh năm, có thể dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần.

- Kinh nghiệm dân gian đánh giá rễ cây han tía có tác dụng giảm đau, chống co thắt, dùng trong các bài thuốc chữa phong tê thấp, hen phế quản, tẩy giun, đại tiện ra máu...

Dưới đây là 1 số kinh nghiệm dùng cây han tía trong nhân dân:

1. Dùng chữa phong tê thấp: 

Rễ han tía 40g, vỏ thân ngũ gia bì 12g. Hai vị thái nhỏ, phơi khô, ngâm rượu, uống mỗi lần một chén nhỏ. Ngày 2 lần.

2. Chữa hen phế quản: 

Rễ han tía, củ ráy mỗi vị 10g, trần bì (vỏ quýt) 20g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô sao vàng. Sắc với 400ml nước, sắc nhỏ lửa còn 100ml, chia uống làm 2 lần trong ngày, 1 liệu trình dùng từ 5 - 7 ngày liên tục.

Hoặc dùng bài:

Đơn châu chấu 12g, ngấy tía 8g, cây han tía 8g thái nhỏ, phơi khô sắc uống.

3. Cách trị ngứa khi chạm phải han tía:

Khi bị ngứa di chạm và lá han tía hãy lấy nhựa củ ráy chà lên phần da bị ngứa. Đây là kinh nghiệm rất hay trị ngứa khi chạm vào loài cây này. 

Các bác hãy xem video dưới đây để nhận biết chính xác cây han tía trong tự nhiên:

Trên đây là những bài thuốc dùng đến cây thuốc han tía, ngoài những công dụng kể trên, bạn còn biết những kinh nghiệm nào khác dùng cây han tía, hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn vào phần bình luận dưới đây.

Ý kiến bạn đọc