Ích mẫu thảo dược Vàng cho sức khỏe phụ nữ

05/12/2019, 22:10 PM
  • Chia sẻ
  • zalo

Từ xa xưa, cây ích mẫu đã được dùng làm thuốc chữa bệnh phụ nữ như kinh nguyệt không đều, rong huyết, đau kinh, bế kinh, khí hư...

─────

A. TÊN GỌI

- Tên thường gọi: Ích mẫu

- Tên khoa học: Leonurus japonicus Houtt. - L. artemisia (Lour.) S.Y.Hu; L. heterophyllus Sweet

- Tên khác: Sung uý, Chói đèn, Làm ngài, Xác diến (Tày), Chạ linh lo (Thái)

- Họ: Bạc hà Lamiaceae

─────

B. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN

Cây thảo, có thân đứng, hình vuông, có rãnh dọc, có lông hoặc nhẵn. Lá mọc đối, rất đa dạng; lá ở gốc gần tròn, khía răng nông và to, hai mặt phủ lông nhung, lá phiến giữa dài xẻ thùy hẹp dài không đều, lá phía ngọn ngắn, ít xẻ, mặt dưới có lông nhất là trên các đường gân.

Cây ích mẫu đang ra hoa

Cây ích mẫu đang ra hoa

Hoa mọc tụ tập ở kẽ lá thành vòng dày đặc, đài hình chuông, tràng hợp ở phía dưới, màu trắng hồng hoặc tím    hồng, sau chia hai môi, môi trên hơi cong lên, môi dưới hẹp xẻ 3 thùy, nhị 4, đính vào ống tràng.

Quả nhỏ, nhẵn, đầu bằng, màu nâu sẫm khi chín.

Mùa hoa quả: tháng 3 – 7.

Loài Leonurus sibiricus L. có lá xẻ rất sâu, ố át tận gân lá, có nhiều thùy dài, cũng được dùng.

Trên thế giới, ích mẫu phân bố ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đối và cả ôn đới ấm thuộc châu Á, châu Mỹ la tinh và châu Âu.

Ở Việt Nam, cây mọc hoang ồ bò bãi, ven sông, ruộng bỏ hoang nhất là ruộng ngô. Cây còn được trồng nhiều ở các tỉnh đồng bằng và trung du phía Bắc.

─────

C. BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN

Cành lá ích mẫu lấy từ ngọn trở xuống dài 15 - 35cm, chưa có hoa hoặc có ít nụ hoa, thu hái vào mùa hè. Đợi khi chồi nách mọc dài, thu hái đợt thứ hai. Đem về phơi trong râm mát hoặc sấy nhẹ cho khô để giữ màu xanh và đảm bảo phẩm chất. Dùng nguyên dược liệu hoặc nấu thành cao lỏng.

Hạt thu hoạch từ cây già. cắt về phơi vài nắng, rồi đập nhẹ lấy hạt.

Cành lá ích mẫu có thể được tẩm rượu, sao cho có màu hơi đen, tẩm giấm rồi sao vàng hoặc chế dạng hỗn hợp như sau: Gừng tươi (2kg) giã nát vắt lấy nước. Muối ăn (200g) pha với nước sôi vừa đủ. Rượu (1kg), giấm (1kg), trộn chung với nước gừng và nước muối, rồi cho ích mẫu (10kg) đã cắt nhỏ vào, ủ kỹ chừng một giờ. Lấy ra phơi hoặc sây khô.

Ích mẫu là 1 cây thuốc rất tốt cho sức khỏe phụ nữ

─────

D. TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Các chế phẩm từ ích mẫu có tác dụng kích thích co bóp tử cung có mang và chưa có mang. Nước sắc ích mẫu có tác dụng gây sẩy thai ở động vật thí nghiệm.

Dược liệu ích mẫu có độc tính rất thấp.

─────

F. CÔNG DỤNG VÀ LIỂU DÙNG

Từ lâu đời, ích mẫu được dùng làm thuốc chữa bệnh phụ nữ như kinh nguyệt không đều, rong huyết, đau kinh, bế kinh, khí hư. Trường hợp kinh thẫm màu, dược liệu ích. mẫu làm huyết tươi hơn; nếu kinh thưa và không đều, nó làm vòng kinh trở nên mau và đều hơn.

Ngoài ra, ích mẫu còn chữa cao huyết áp, viêm thận, tiểu tiện khó, mắt sưng đau.

Ngày dùng: 10 - 12g dưới dạng thuốc sắc. Dùng riêng hoặc phối hợp với những vị thuốc khác dưới các dạng cao ích mẫu, ích mẫu hoàn, ninh khôn hoàn...

 

Cây ích mẫu chữa bệnh phụ nữ

Cây ích mẫu nhìn từ trên xuống

G. NHỮNG BÀI THUỐC DÙNG ÍCH MẪU

1. Chữa kinh nguyệt không đều:

Ích mẫu (cành, lá) 80g, hương phụ 25g, ngải cứu 20g. Tất cả thái nhỏ, nấu với nước 2 - 3 lần. Cô đặc còn 100ml. Thêm đường. Ngày uống hai lần, mỗi lần 2 - 3 thìa canh vào trước bữa ăn. (Cao hương ngải).

2. Thuốc hổ huyết điều kình:

Ích mẫu (cành lá) 80g, nga truật 60g; ngải cứu, hương phụ mỗi vị 40g, hương nhu 30g. Tất cả sao qua, tán nhỏ, rây bột mịn, trộn với mật làm viên bằng hạt đỗ xanh. Ngày uống 60 viên chia làm 3 lần.

3. Chữa đau mắt:

Hạt ích mẫu, thảo quyết minh, cúc hoa, thanh tương tử (hạt cây hoa mào gà trắng), sinh địa mỗi vị 10g. Các dược liệu thái nhỏ, sắc vói 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

4. Đề phòng trẻ mới sinh sau này không bị ghẻ lở:

Ích mẫu nấu nước tắm (Giản Yếu Tế Chúng Phương).

5. Trị huyết áp cao:

Ích mẫu, Ngô đồng, Hy thiêm thảo, Hạ khô thảo, chế thành bài thuốc trị 59 ca huyết áp cao. Sau 1 ngày uống thuốc, huyết áp đã hạ. Tác dụng tốt nhất vào ngày thứ 10 (Tuyển Tập Tư Liệu Nghiên Cứu Y Học - Sở Nghiên Cứu Y Dược Phúc Kiến 1977, 3:23).

6. Trị bệnh mạch vành:

Vương Triết Thân và cộng sự dùng thuốc tiêm Ích mẫu nhỏ giọt tĩnh mạch trị 100 ca bệnh mạch vàng, thiếu máu cơ tim. Kết quả lâm sàng tốt 45%, có tiến bộ 39%. Tỉ lệ có kết quả 84%, kết quả điện tim tốt 28%, tiến bộ 33%, tỉ lệ điện tim là 61% (Trung Y Tạp Chí 1985, 26(3): 29).

7. Trị phù do cầu Thận viêm mạn, huyết áp cao:

Ích mẫu 100-200 giữa (dùng tươi: tăng gấp đôi - trẻ em giảm 1/2 liều) sắc với 700ml nước còn 300ml, chia 3 lần uống. Có tác dụng lợi tiểu, tiêu phù rõ. Đối với cầu thận viêm cấp kết quả tốt (Vân Nam Trung Y Tạp Chí 1984, 2: 84).

Video giới thiệu về cây ích mẫu:

 

Kiêng Kỵ khi dùng ích mẫu:

+ Người vốn đã có huyết hư nhưng không có ứng huyết: không dùng (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Kỵ thai, âm huyết hư: không dùng (Trung Dược Học).

H. THAM KHẢO THÊM

1. Thành phần hóa học của ích mẫu:

- Cây ích mẫu Leonurus heterophyllus chưa thấy tài liệu nghiên cứu. Sơ bộ chúng tôi thấy phản ứng ancaloit và tanin (7-8%), flavonozit. 

- Từ cây ích mẫu Leonurus sibiricus, các nhà nghiên cứu Nhật Bản ( Nhật bản dược vật học tạp chí 1930, tr.153-158) đã chiết được 0,05% ancaloit gọi là leonirin C13H19O4N4 có độ chảy 238oC. 

- Năm 1958, một số tác giả khác (Bắc Kinh y học viện học báo kỳ I) đã chiết từ ích mẫu Leonurus sibiricus 5 chất có tinh thể: 2 chất đầu là ancaloit và gọi là leonurin A: C20H32O10N6 có độ chảy 229-230oC, leorunin B: C14H24O7N4 chảy 77-78oC, 86-87oC và 141-142oC.

- Năm 1940, Thang Đằng Hán (1940 J.Chem. Soc.vol.7, N02) chiết từ phần tan trong nước một chất gọi là leonuridin công thức C6H12O3N2 có độ chảy 221,5-222oC. Trong cây và quả ích mẫu, Hứa thực Phương (J.Chem.Soc.vol 2, N03) còn báo cáo chiết được một ancaloit khác còn gọi là leonurinin có độ chảy 262-263oC với công thức C10H14O3N2

- Tỷ lệ ancaloit cao nhất vào tháng 5, sau đó giảm xuống. Ngoài ra trong cây ích mẫu còn có tanin, chất đắng, saponin và 0,03% tinh dầu. 

- Hoạt chất của ích mẫu như thế cũng chưa được xác định chắc chắn, nhưng trên cơ sở dược lý người ta thấy trong ích mẫu có 2 loại hoạt chất. Một loại hoạt chất tan trong ête có tác dụng ức chế tử cung, một loại hoạt chất không tan trong ête có tác dụng kích thích tử cung. 

- Gần đây người ta thấy trong ích mẫu có 3 flavonozit, một trong số flavonozit được xác định là rutin, một glucozit có cấu tạo steroit, một ít tanin, trong toàn cây có leocacdin cùng cấu trúc với stachydrin, một ít tinh dầu. Ancaloit không có tác dụng chữa bệnh. 

2. Chú ý:

Sung úy tử tính nó hoạt huyết, hành khí, có công bổ âm, đàn bà khi có thai và sau khi sinh nở chỉ cậy vào khí huyết mà thôi, vị này có thể làm cho lúc có thai khí huyết không bị trệ, lúc mới sinh khí huyết không bị hư. Thuốc có thể vừa hành vừa bổ, thật là một vị thuốc thánh của các bà” (Bản Thảo Diễn Nghĩa Bổ Di).

+ Sung úy tử là vị thuốc dương dương trong, ngoài âm. Hoa mầu trắng thì vào phần khí, hoa tím thì vào phần huyết, thự là một vị thuốc hay để trị đàn bà, con gái kinh nguyệt không đều và các bệnh về khí huyết, trong khi có thai hoặc sau khi sinh. Dùng nó cùng với các thang Tứ Vật hoặc vị Hương phụ rất có công hiệu vì nó có tính hoạt huyết, bổ âm, cho nên có thể làm cho sáng mắt, thêm tinh, điều kinh và trị được các bệnh của phụ nữ” (Bản Thảo Cương mục).

+ “Ích mẫu thảo thường hoạt huyết, điều kinh, có khi dùng chung với Sung úy tử, theo phương pháphoạt huyết mà không phá huyết, là vị thuốc quan trọng nhất đối với việc điều kinh ở phụ nữ và sản hậu. Hễ có nhiệt vào đúng lúc đang hành kinh, để phòng nhiệt nhập vào huyết thất, có thể dùng vị thuốc này để điều kinh, trừ ứ huyết, sinh máu mới hoặc đang hành kinh hoặc chưa hành kinh đều có thể dùng vị thuốc này để điều kinh (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ “Nếu dùng làm thuốc an thai phải phối hợp với Củ gai và Tô ngạnh” (Dược Liệu Việt Nam)

Ý kiến bạn đọc