Nhân trần được dùng từ xa xưa với công dụng chữa bệnh vàng da, bệnh gan, mật và phụ nữ sau sinh người ốm yếu. Do vậy, người xưa vẫn có câu:
"Nhân trần, ích mẫu đi đâu
Để cho bà đẻ đớn đau thế này"
─────
- Tên thường gọi: Nhân trần
- Tên khác: Hoắc hương núi, Tuyết hương, Chè cát.
- Tên khoa học: Adenosma caeruleum R. Br. - Adenosma glutinosum (L.) Druce var. caeruleum (R. Br.) Tsoong
- Họ khoa học: Thuộc họ hoa mõm chó Scrophulariaceae.
Cây nhân trần (Chụp tại Lạng Sơn)
─────
Trong thực tế, có 3 cây cùng tên nhân trần nhưng lại có tên khoa học khác nhau hoàn toàn, các bạn cần lưu ý để tránh nhầm lẫn 3 loại cây này:
Tên khoa học Adenosma caeruleum R. Br, thuộc họ Hoa mõm chó - Scrophulariaceae.
Cây thân thảo, cao gần 1m, hình trụ thẳng, đơn hay có khi phân cành, nhánh, lá phía dưới mọc đối, lá phía trên có khi mọc cách, phiến lá hình trứng nhọn, mép răng cưa thưa, cuống lá ngắn 3 – 5mm. Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc xếp thành chùm, hình bông, dài 30 – 40cm. Tràng hoa mầu tía hay lam, chia 2 môi, quả nang dài hình trứng, có mỏ ngắn, nở thành 4 van, trong nhiều hạt nhỏ. Lá mùi thơm, vị cay, hơi đắng. Mùa hoa quả tháng 4 – 9. Nhân trần mọc hoang vùng núi, bờ ruộng, bãi trống. có thể gieo trồng bằng hạt.
- Bộ phận dùng: Thân cành mang hoa và lá.
- Thu hái và chế biến: thu hái nhân trần khi cây đang ra hoa, phơi trong râm hoặc sấy nhiệt độ thấp (dưới 40 độ C) đến khô là được.
- Công dụng: Theo Đông y, nhân trần, vị đắng, mùi thơm tính bình. Vào 2 kinh Can Đởm. Có tác dụng: thanh nhiệt, khu phong, trừ thấp, làm ra mồ hôi. Chữa các chứng bệnh: Hoàng đản cấp tính, tiểu tiện vàng đục và ít. Phụ nữ sau khi sinh, ăn uống tiêu hóa kém, cảm cúm hoa, nhức đầu. Nhân trần thường dùng làm nước uống hàng ngày.
Liều dùng: 10 – 25g/ngày (sắc hoặc hoàn tán).
Lưu ý: Không phải chứng thấp nhiệt không dùng. Cần phân biệt với nhân trần Trung Quốc; Nhân trần bồ bồ còn gọi là nhân trần hoa đầu; Nhân trần nhiều lá – họ hoa mõm sói, lá không cuống, phiến lá thon dài, rất thơm, mọc trên đất có phèn cũng dùng như nhân trần.
Cũng nhiều người gọi cây bồ bồ với tên nhân trần, nhưng thực chất đây là cây có tên khoa học Adenosma capitatum (Benth.) Benth. ex Hance. Trước đây người ta xếp cây bồ bồ thuộc họ Hoa môi, nhưng gần đây xác định lại là thuộc họ Hoa mõm chó, tức cùng họ với nhân trần Việt Nam.
Là cây thảo, sống 1 năm rồi lụi, sang năm lại mọc do những hạt già rụng, cao 30 – 60cm, cành non có lông, sau nhẵn, lá mọc đối cuống ngẵn, phiến hình trứng nhọn, mép răng cưa, có lông – Hoa mầu tím, nhỏ tụ thành hình đầu ở ngọn. Quả nang có nhiều hạt nhỏ. Mùa hoa tháng 4 – 9 mọc hoang nhiều vùng nước ta.
- Bộ phận dùng, thu hái, chế biến tương tự nhân trần Việt Nam.
- Bồ bồ được dùng thay thế Nhân trần. Bồ bồ mùi hắc hơn nhân trần. Liều dùng 10 – 25g/ngày.
Phân biệt 3 loại nhân trần
Nhân trần Trung Quốc còn gọi là nhân trần cao, được giới thiệu trong tài liệu của Trung Quốc, ở Việt Nam không thấy mọc cây này, nó có tên khoa học là Artemisia capillaris Thunb. Thuộc họ Cúc Asteraceae.
Là cây thảo, cao khoảng 0,6 – 1,2m, có phân nhánh, cành không có lông. Phiến lá ở nhánh thường xẻ rất nhỏ thành hình sợi nhỏ giống lá cây thanh cao, hoa nhỏ ở nách hay đầu cành. Quả bế, nhẵn, nhỏ, dài khoảng 0,8mm. Hoa tháng 9 – 11.
Thu hái chế biến: chủ yếu được người Trung quốc thu hái vào tiết thanh minh.
Công dụng: Theo Đông y, nhân trần TQ vị đắng, cay, tính hơi lạnh, vào các kinh tỳ, vị, Can đởm. có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, lợi niệu, làm ra mồ hôi, tẩy giun. Chữa các chứng bệnh hoàng đản, bệnh về túi mật, viêm gan, truyền nhiễm. Theo Tây y, nhân trần có tác dụng giảm huyết áp, giảm lipid máu, thông mật. Liều dùng khoảng 5 – 15g (dùng sắc, hãm nước uống).
Lưu ý: Không thuộc chứng thấp nhiệt không dùng nhân trần.
Một số bài thuốc từ Nhân trần TQ:
Bài 1: Chữa viêm gan siêu vi khuẩn: Nhân trần TQ 30g. Sắc uống trong ngày.
Bài 2: Chữa vàng da do siêu vi khuẩn, tiểu ít, nước tiểu vàng đậm, đầy bụng, bí đại tiện: Nhân trần TQ 20g; Quả dành dành 10g; Đại hoàng 5g. Săc uống.
Bài 3: Chữa viêm gan siêu vi khuẩn mạn tính, vàng da, tiểu tiện không lợi: Nhân trần TQ 12g; Trư linh; Trạch tả; Phục linh; Bạch truật mỗi vị 10g; Quế Chi 5g; Sắc uống.
Bài 4: Chữa viêm túi mật, ống dẫn mật: nhân trần TQ; Bồ công anh; Uất kim mỗi vị 30g; Khương hoàng 12g. Sắc uống.
Bài 5: Chữa thấp ôn thời kỳ đầu, phá sốt, chân tay tê buốt, bụng trứng, tức ngực không ra mồ hôi, người khó chịu hoặc có ra mồ hôi nhưng không hạ sốt được, nước tiểu đỏ, bí đại tiện:
Nhân trần TQ 12g; Thạch xương bồ 5g; Hoàng cầm10g; Hoạt thạch15g; Mộc thông 5g; Bạc hà 4g; Xuyên bối mẫu 5g; Xạ can 5g; Liên kiều 5g; Bạch đậu khấu 5g; Hoắc hương 5g. Sắc uống.
Bảo quản nơi khô mát.
─────
- Mặc dầu cây rất khác nhau, nhưng nguồn gốc sử dụng nhân trần dựa vào kinh nghiệm ghi trong sách cổ, nhân trần vị đắng, tính bình, hơi hàn vào kinh bàng quang. Có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, dùng chữa thân thể nóng, da vàng người vàng, tiểu tiện không tốt.
- Kinh nghiệm dân gian dùng nhân trần cho phụ nữ sau khi sanh nở để giúp cho ăn ngon cơm, chóng hồi phục cơ thể. Còn dùng làm thuốc chữa sốt, ra mồ hôi, thông tiểu tiện, chữa bệnh vàng da, bệnh gan.
- Trong chăn nuôi, người ta dùng bồ bồ chữa bệnh trâu bò ỉa cứt trắng. Ngày dùng 4 đến 6g, có khi tới 20g dưới hình thức thuốc sắc, sirô, thuốc pha hay thuốc viên.
- Nên nghiên cứu tác dụng so sánh của 3 vị thuốc nhất là 2 vị thuốc của nước ta.
Bài thuốc: Chữa sốt vàng da, ra mồ hôi ở đầu mà người không có mồ hôi, miệng khô, tiểu tiện khó khăn, bụng đầy:
Nhân trần cao thang: Nhân trần Trung Quốc 24g, chi tử (dành dành) 12g, đại hoàng 4g, nước 800ml, sắc còn 250ml chia 3 lần uống trong ngày. Trong đơn này ở Việt Nam ta thường thay nhân trần Trung Quốc bằng nhân trần Việt Nam hay bồ bồ.
─────
Trên đây là đặc điểm nhận dạng của cây nhân trần trong tự nhiên và những bài thuốc hay trong dân gian từ cây nhân trần. Nếu thấy bài viết hữu ích hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè cùng biết bạn nhé. Cảm ơn bạn!