Tam thất nam một loại cây thuộc họ gừng, có tên khoa học là Stahlianthus thorelii Gagnep, được dùng để trị chứng kinh nguyệt không đều, người xanh xao, gầy yếu, mệt mỏi, đau đầu...
─────
Được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như Cẩm địa la, Ngải máu, Tam thất gừng, Thiền liền tròn... do thuộc họ Gừng nên tam thất nam có những đặc điểm gần tương đồng với những cây cùng họ như: Dạng thân thảo, không thân, thân rễ phình thành củ, rễ con dạng sợi, phiến lá thuôn dài, chóp nhọn.
Cây tam thất nam
Đặc điểm nổi bật lá trên phiến lá, tập trung nhiều ở gân chính là những sắc tố tím, trắng xen lẫn với màu xanh lục, mặt dưới lá có sắc tố tím và 1 lớp lông trắng. Hoa trắng, họng vàng, bầu nhẵn, chia làm 3 ô. Khi đào củ tam thất nam lên thì thấy thân rễ dày bao bởi những vết của lá đã rụng thường phân nhánh mang nhiều củ nhỏ bằng quả trứng chim xếp thành chuỗi, bề ngoài củ có vằn ngang màu đen, trong có chất bột trắng ngà như màu của củ Tam thất.
Cây mọc hoang nhiều ở các nơi râm mát, có độ ẩm trên các tỉnh miền núi nước ta. Ngoài ra, còn xuất hiện ở Lào và Trung Quốc.
─────
Củ tam thất nam có vị cay, hơi đắng, tính ấm, tác dụng tán ứ tiêu thũng, hoạt huyết chỉ huyết, hành khí chỉ thống. Được dùng trong các bài thuốc chữa kinh nguyệt không đều, người gầy yếu, xanh xao, đau đầu, mệt mỏi. Ngoài ra, kinh nghiệm dân gian còn dùng khi bị đòn ngã sưng đau, đau nhức cơ xương, chảy máu cam, trúng độc, rắn cắn, kém ăn...
Liều dùng 4-8g, sắc nước hoặc ngâm rượu uống. Dùng ngoài lấy củ tán bột rắc, đắp.
Củ tam thất nam
- Kinh nghiệm của lương y Lê Trần Đức: Dùng Tam thất nam kết hợp với Hồi đầu thảo, 2 vị bằng nhau, phơi khô, nghiền bột, mỗi lần dùng 2 - 3g, ngày dùng 2 - 3 lần với nước sôi. Thời gian uống vào giữa buổi tối và trước khi đi ngủ. Mỗi liệu trình dùng liên tục từ 5-7 ngày. Bài thuốc này chủ trị: kinh nguyệt không đều, người gầy da xanh sạm, rong huyết kéo dài sau sinh, kém ăn, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi.
─────
Chú ý: Tránh nhầm lẫn với một loài khác có tên Tam thất khương (Tên khoa học: Stahlianthus involucratus (King ex Baker) Craib), đặc điểm tự nhiên gần giống với cây tam thất nam nhưng có mặt dưới lá có nhiều sắc tố tím hơn. Rễ cây tam thất khương này có vị cay, tính hàn; có tác dụng hoạt huyết tán ứ, tiêu sưng giảm đau, dùng trị thổ huyết, ói ra máu, kinh nguyệt quá nhiều và đòn ngã tổn thương.
Hình ảnh cây tam thất khương (Nguồn: https://www.flickr.com/)
─────
Trên đây là đặc điểm tự nhiên, cách nhận biết cây tam thất nam. Nếu bạn chưa chắc chắn khi xác định cây thuốc này, hãy theo dõi video dưới đây của chúng tôi và đừng quên chia sẻ bài viết này cho nhiều người cùng biết bạn nhé. Cảm ơn bạn!