Vòi voi là loài liên nhiệt đới, mọc hoang ở nhiều nơi, cây được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như cẩu vĩ trùng, dền voi, đại vĩ đao... tên khoa học là Heliotropium indicum L, thuộc họ vòi voi (Boraginaceae). Cây được dùng làm thuốc nhưng phải hết sức cẩn trọng.
─────
Cây vòi voi mọc hoang ở nhiều nơi, thường phát hiện sống đơn độc, thân thẳng, khỏe, có nhiều cành, chiều cao từ 30-40cm. Đặc điểm nổi bật dễ nhận dạng nhất của cây này là cụm hoa xim bọ cạp màu tím ở đầu cành, khi nhìn ta liên tưởng đến cái vòi của con voi. Lá hình trái xoan, mọc đối, cả hai mặt lá đều có nhiều lông, gốc lá thuôn đầu men theo cuống, chóp lá hơi nhọn, mép lá hơi lượn sóng hoặc có răng cưa không đều. Chỉ riêng phần thân già nhẵn, còn lại toàn thân có nhiều lông ráp.
─────
Điểm khá hay của cây vòi voi là thành phần của cây này có cả chất gây ung thư và chất có tác dụng ức chế khối u.
- Chất gây ung thư là heliotrin là một alcaloid pyrolizidin gây ung thư.
- Chất có tác dụng ức chế khối u là indixin N-oxyd, ngoài ra trong cây này có cả indixin.
Cây vòi voi được thu hái cả thân và rễ, chủ yếu vào mùa hè thu, dùng tươi hoặc phơi hay sấy khô dùng dần.
─────
Vòi voi có vị đắng, nhạt, hơi cay, mùi hăng, tính bình, quy và 3 kinh: tỳ, thận và đại tràng, có công dụng thanh nhiệt, lợi niệu, tiêu thũng, giải độc. Được dùng trị phong thấp sưng khớp, lưng gối nhức mỏi, loét cổ họng bạch cầu, viêm phổi, viêm mủ màng phổi, ỉa chảy, lỵ, viêm tinh hoàn, nhọt sưng tấy và viêm mủ da.
Dưới đây là một số kinh nghiệm dùng cây vòi voi làm thuốc:
Lá cây vòi voi và ngọn rau muống, giã nát cả hai loại, đắp lên những vết lớ loét của bệnh zona.
Vòi voi khô 300g, rễ Nhàu rừng 200g, củ Bồ bồ 150g, Cỏ nhọ nồi 100g. Tất cả đem tán nhuyễn vò ra viên bằng hạt tiêu, mỗi lần uống 20-30 viên. Ngày 2-3 lần (Kinh nghiện ở An Giang).
Dùng lá tươi cây vòi voi nghiền ra lấy dịch súc miệng ngày 4-6 lần.
Cây vòi voi tươi 60g, đun sôi trong nước và uống với mật ong. Hoặc giã 60-120g cây tươi lấy dịch và uống với mật.
Không dùng cây vòi voi cho người già yếu, tỳ vị hư hàn, ỉa chảy lâu ngày hay chân lạnh.
─────
Như đã trình bày ở phần trên, trong thành phần của cây vòi voi có chất gây ung thư, vì vậy cần hết sức thận trọng khi dùng, tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của những người có chuyên môn.
Mặt khác, một vài phát hiện về loài vòi voi như H.lariocarpum Fish et Mey chứa ancaloid có nhân pyrolizidinn rất độc đối với gan và gây hủy hoại tổ chức gan, đau bụng tiêu chảy, xuất huyết lan tỏa và có thể gây ung thư. Tính độc này thường không thể hiện ngay khi dùng, mà thường xuất hiện một cách âm ỉ, kéo dài, khó phát hiện.
Tổ chức Y tế thế giới WHO đã khuyến cáo không nên dùng vòi voi làm thuốc và năm 1985 Bộ Y tế Việt Nam cũng đã có chỉ thị cần thận trọng khi dùng vòi voi chữa bệnh, mặc dù chỉ dùng ngoài để đắp theo kinh nghiệm cổ truyền: trong các trường hợp chấn thương tụ máu, áp-xe sưng tấy, sưng đau khớp, đinh nhọt giai đoạn chưa có mủ...