Cỏ roi ngựa (mã tiên thảo) cây thuốc hay trị sốt rét, kinh nguyệt không đều

04/05/2020, 22:20 PM
  • Chia sẻ
  • zalo

Cỏ roi ngựa là loài tiêu biểu cho họ Verbenaceae, có tên khoa học Verbena ofcinalis L, và được nhắc đến trong Đông y với tên Mã tiên thảo, được dùng trong các bài thuốc chữa đau họng, sốt, cúm, sốt rét, vàng da, đái ra máu, phụ nữ kinh nguyệt không đều...

Có người đưa hình ảnh cây roi ngựa lên Nhóm dược liệu trên MXH để hỏi tên, không ít người nhầm cây này là cây cỏ xước, cây ích mẫu hoặc cây đuôi chuột, thậm chí có người nhầm lẫn là cây ngải cứu, cây mã đề... Vì vậy, trước khi tìm hiểu về công dụng làm thuốc của mã tiên thảo, bạn hãy chú ý những đặc điểm nhận dạng dưới đây.

─────

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN CỦA CỎ ROI NGỰA

Cỏ roi ngựa là cây mọc hoang cạnh bờ đường, ruộng nương, ven rừng, gần bản làng, có nhiều ở tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn... là loài cỏ, sống dai, cao từ 30cm - dưới 1m, thân có 4 cạnh. Lá cây roi ngựa mọc đối, hình dáng gần giống với lá cây ngải cứu hay cây ích mẫu.

Đặc điểm dễ nhận dạng của cây này là phần trên ngọn có dải hoa mọc thành chùy, gồm nhiều bông hình sợi, lá bắc có mũi nhọn, hoa nhỏ không có cuống màu xanh lam (Trông như cái roi ngựa). Quả nang có 4 nhân. Cây ra nhiều hoa từ mùa xuân tới cuối mùa hạ, đậu quả và mùa thu, thời điểm này cũng chính là lúc thu hái cây cho dược tính tốt nhất.

Trên thân là lá có lớp lông mịn, thân vuông, cành nhỏ và lá đều mọc đối nhau. Lá gần giống với lá ích mẫu hay lá cây ngải cứu. Khi nhấm lá có vị đắng.

Cỏ roi ngựa (Mã tiên thảo)

─────

THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỎ ROI NGỰA

Toàn cây roi ngựa chứa một glucozit gọi là verbenaln hay verbenalozit, kết tinh không màu, không mùi, vị đắng, thuỷ phân sẽ cho glucoza và verbenalola.

Verbenalin + H2O = verbenalola + glucoza

Ngoài ra còn có các men invectin và men emunxin. Do đó khi phơi sấy, tỷ lệ glucozit có thể giảm tới hơn 25%.

─────

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Cỏ roi ngựa có chứa ít độc. Theo Holste, mã tiên thảo có thể làm máu chóng đông.

Có tác dụng tiêu viêm, giảm đau, sát khuẩn (nước sắc có tác dụng ức chế tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn lỵ), cầm máu, chất verbenalin trong cỏ roi ngựa có tác dụng lợi sữa (tăng tiết sữa) ở động vật đang cho con bú.

Gần đây các nhà khoa học còn phát hiện thêm tác dụng ức chế đối với vi trùng gây sốt rét.

Cây mã tiên thảo

─────

TÁC DỤNG CỦA CỎ ROI NGỰA

Đông y đánh giá, vị thuốc Mã tiên thảo vị đắng, tính hơi hàn, quy vào 2 kinh can và tỳ, có tác dụng phá huyết, sát trùng, thông kinh. Dùng chữa đau họng, sốt, cúm, sốt rét, vàng da, đái ra máu, phụ nữ kinh nguyệt không đều... Ngoài ra, nhân dân ta còn hay dùng tươi giã lấy nước uống, bã đắp lên mụn nhọt như sứng vú, hậu bối.

Trước đây, người Châu Âu coi đây là vị thuốc chữa bách bệnh, nhưng ngày nay họ chỉ còn dùng làm thuốc xoa bóp.

Dưới đây là một số bài thuốc sử dụng cỏ roi ngựa:

1. Chữa cảm cúm phát sốt:

Mã tiên thảo 50g; Khương hoạt, Thanh cao mỗi vị 25g;

Cách sắc: Cho nước ngập thuốc, sắc nhỏ lửa còn 2 bát con, chia thành 2 lần uống trong ngày.

Hoặc đem các vị thuốc tán nhỏ, hãm nước sôi như pha trà uống trong ngày.

Kèm thêm triệu chứng đau họng thì cần thêm Cát cánh 15g cùng sắc uống.

2. Chữa sốt rét:

Mã tiên thảo có tác dụng ức chế đối với nguyên trùng sốt rét (malarial parasite), khiến chúng bị biến hình và chết.

Cách dùng để chữa sốt rét: Mã tiên thảo khô 30-50g sắc nước uống. Dùng trước và sau khi lên cơn sốt rét 1 tiếng uống 1 lần.

Bài thuốc này rất công hiệu, trong 1 cuộc thử nghiệm thì có tới 216/236 ca cho kết quả tốt.

3. Chữa vàng da (Hoàng đản):

Dùng rễ cỏ roi ngựa tươi hoặc toàn cây tươi 50g, sắc lấy nước, bỏ bã, pha thêm đường, chia thành 3 phần uống trong ngày; nếu vùng gan trướng đau cần thêm táo mèo (sơn tra) 15g vào cùng sắc uống.

4. Điều trị kinh nguyệt không đều:

Cỏ roi ngựa 40g, ngải cứu 25g, ích mẫu 20g, mộc tặc (cỏ tháp bút) 10g. Tất cả đem sắc với nước uống ngày 2 lần. Uống trước khi hành kinh 10 ngày.

5. Điều trị đau bụng kinh:

Cỏ roi ngựa 30g; sinh địa hoàng, huyền sâm, bạch thược, xích thược, nữ trinh tử, địa cốt bì, xuyên luyện tử mỗi vị 15g; cỏ mực, mẫu đơn bì 12g, uất kim 5g.

Sắc uống mỗi ngày một thang, uống liên tục trong 6 ngày trước khi hành kinh, một liệu trình uống là 2 tháng.

Trường hợp chỉ bị đau nhẹ thì chỉ cần dùng Cỏ roi ngựa, ích mẫu thảo mỗi loại 30g. Sắc uống 3 thang trước khi hành kinh sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.

6. Chữa bệnh bạch hầu:

Dùng Cỏ roi ngựa khô 30-50g, sắc lấy khoảng 300ml nước thuốc

+ Người lớn mỗi lần uống 150ml, ngày uống 2 lần, liên tục 3-5 ngày,

+ Trẻ em 8-14 tuổi mỗi lần uống 100ml, ngày uống 2 lần, liên tục 3-5 ngày;

+ Trẻ nhỏ dưới 8 tuổi mỗi lần uống 50ml, ngày uống 2 lần, liên tục 3-5 ngày.

7. Ăn phải cá độc sinh cổ trướng:

Cỏ roi ngựa một nắm to, sắc nước uống nhiều lần trong ngày (Tuệ Tĩnh – Nam dược thần hiệu).

8. Điều trị bệnh cổ trướng:

Lấy cỏ roi ngựa giã nát, nấu với nước uống khi còn nóng.

9. Phòng viêm gan truyền nhiễm:

Dùng Cỏ roi ngựa 25g, cam thảo 5g, sắc với 150ml nước, đun nhỏ lửa đến khi cạn còn 40ml, đó là liều lượng 1 lần uống đối với người lớn, mỗi ngày uống 3 lần vào trước bữa cơm, liên tục trong 4 ngày. 

10. Đái ra máu và dưỡng chấp, kèm theo bí đái:

Dùng Cỏ roi ngựa 60g, sắc nước, chia thành 2 phần uống trong ngày.

11. Trĩ nội:

Dùng Cỏ roi ngựa, rau dền gai, mỗi thứ 20g, sắc nước uống thay trà trong ngày, liên tục trong nhiều ngày. 

Tham khảo thêm: Cách dùng thầu dầu tía trị bệnh trĩ rất hiệu nghiệm

12. Viêm khoang miệng:

Dùng Cỏ roi ngựa tươi 30g, sắc nước, uống thay trà trong ngày. 

─────

Trên đây là đặc điểm tự nhiên của cỏ roi ngựa, bạn hãy chú ý để tránh nhầm lẫn với các cây thuốc khác. Nếu thấy bài viết bổ ích, bạn hãy chia sẻ bài viết này cho nhiều người cùng biết bạn nhé.

Bạn cũng có thể đặt câu hỏi cho chúng tôi vào phần CỘNG ĐỒNG YÊU THẢO DƯỢC

Tag: Co roi ngua, Ma tien thao, benh sot ret, kinh nguyet khong deu

Ý kiến bạn đọc