Ba kích vị thuốc bổ thận, cố tinh

05/12/2019, 19:04 PM
  • Chia sẻ
  • zalo

Ba kích có tác dụng tăng lực rõ rệt đối với người cao tuổi, làm đỡ mệt mỏi, ăn ngon, ngủ tốt, tăng cân, tăng cơ lực, giạm đau mỏi. Đối với nam giới có hoạt động sinh dục yếu, ba kích làm tăng sức dẻo dai và cải thiện khả năng chăn gối.

─────

A. TÊN GỌI

- Tên khoa học: Morinda officinalis How.

- Tên khác: Dây ruột gà, thau tày cáy (Tày), chồi hoàng kim (Thái), chày kiằng dòi (Dao), Bất điêu thảo (Nhật Hoa Tử Bản Thảo), Ba cức, Diệp liễu thảo, Đan điền âm vũ, Lão thử thích căn, Nữ bản (Hòa Hán Dược Khảo), Kê nhãn đằng, Đường đằng, Tam giác đằng, Hắc đằng cổ (Trung Dược Đại Từ Điển), Kê trường phong (Trung Dược Chí), Tam mạn thảo (Đường Bản Thảo), Thỏ tử trường (Trung Dược Tài Thủ Sách), 

- Họ khoa học: Họ Cà Phê (Rubiaceae).

─────

B. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN

Ba kích là cây thuốc quý mọc hoang nhiều ở các tỉnh miền núi nước ta, dạng cây thảo leo, dài hàng mét. Rễ mập, dài chừng 30-60cm. Thần non màu tím, có lông, thân già nhẵn, màu nâu. Lá mọc đối, hình mác, lúc non màu lục, sau già màu trắng mốc, hai mặt có lông dày hơn ở mặt dưới; lá kèm mỏng.

Hoa mọc tập trung ở đầu cành thành tán, màu trắng sau hơi vàng; đài hình chén; tràng có ống ngắn; nhị 4, quả hình cầu.

Mùa hoa quả: tháng 5 - 10.

Hiện nay, ba kích được trồng ở nhiều nơi nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc.

─────

C. PHÂN BỐ, THU HÁI

- Ba kích phân bố tự nhiên ở một sô" nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản. Ở Việt Nam, cây mọc hoang ở các tỉnh trung du và núi thấp phía Bắc gồm Lạng Sơn,- Phú Thọ, Quảng Ninh, Tuyên Quang..., thường gặp trong rừng thưa, ven đồi. Cây đã được thuần hóa và phát triển trồng ở một số tỉnh với kết quả rất tốt, nhất là trong các mô hình vườn - trang trại với cách thức trồng xen.

- Bộ phận dùng chủ yếu là rễ. Rễ ba kích được thu hoạch vào tháng 7 - 10, khi lá gốc đã rụng. Rễ lúc này chứa nhiều hoạt chất. Rễ đào về, rửa sạch đất, cắt bỏ rễ con, phơi nắng hoặc hấp độ 1/2 giờ rồi mới phơi hoặc sấy khô. Khi gần khô, đập nhẹ cho rễ bẹp để lộ lõi nhỏ bên trong, rồi phơi hoặc sấy tiếp cho thật khô.

Khi dùng, cần ủ hoặc ngâm rễ trong nước độ 1/2 - 1 giờ cho mềm (thịt sẽ dễ bóc và dễ thái), rồi sao tẩm theo cách sau:

Tẩm muối dùng để bổ thận; tẩm mật để bổ dưỡng chung và bổ phổi; tẩm rượu chữa tê thấp.

─────

D. TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Ba kích có tác dụng tăng lực rõ rệt đối với người cao tuổi, làm đỡ mệt mỏi, ăn ngon, ngủ tốt, tăng cân, tăng cơ lực, giạm đau mỏi. Đối với nam giới có hoạt động sinh dục yếu, ba kích làm tăng sức dẻo dai và cải thiện khả năng giao hợp.

Ngoài ra, ba kích còn tăng cường sức chống đỡ của cơ thể đối với yếu tố độc hại và có tác dụng chống viêm rõ rệt.

Rễ ba kích chứa các anthraglucosid, các iridoid glucosid, các sterol, các chất vô cơ như K, Na, Mg, Fe, Cu, Zn..., tinh bột, đường, nhựa, acid hữu cơ, vitamin c.

─────

E. CÔNG DỤNG, LIỀU DÙNG

Theo kinh nghiệm dân gian, ở những vùng có ba kích mọc hoang dại, nhân dân thường đào rễ về, rửa sạch, thái nhỏ, nấu lẫn với thịt gà ăn cho khỏe, chóng lại sức, nhất là đối với người cao tuổi, người mới ốm dậy, phụ nữ mới đẻ.

Y học cổ truyền coi ba kích là một vị thuốc bổ thần kinh và tinh khí, trợ dương, trừ phong thấp chữa bệnh liệt dương, sớm xuất tinh, di mộng tinh, lưng gối đau mỏi, phụ nữ kinh nguyệt không đều. Người lớn, nhất là từ 30 tuổi trở lên dùng rất tốt.

Ngày uống 12 - 20g dưới dạng thuốc sắc, cao lỏng hoặc rượu ngâm.

Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Chú ý: Người âm hư hỏa vượng, hay táo bón, không nên dùng ba kích.

F. CÁC BÀI THUỐC DÙNG BA KÍCH

1. Thuốc bổ:

Ba kích, kim anh mỗi vị 10g, tua sen 5g, đại hồi 2g. Ba kích bỏ lõi, kim anh bỏ ruột (phần lông và hạt bên trong quả), thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 - 3 lần trong ngày.

Hoặc: Ba kích 200g, hoàng tinh 25g; đảng sâm, thục địa mỗi vị 10g, đường kính (100g), rượu 30° (1 lít). Ba kích đập giập, bỏ lõi, phơi khô, thái nhỏ, sắc với 1 lít nước còn 100ml. Đảng sâm, hoàng tinh, thục địa thái nhỏ, ngâm với 100 - 200ml rượu trong 15 - 20 ngày (càng lâu càng tốt). Đường nấu thành siro. Trộn chung cao với rượu và siro, rồi thêm rượu vào cho đủ thành 1 lít. Lọc. Thêm chất thơm. Ngày uống 2 lần, mỗi lần một cốc nhỏ.

2. Thuốc bổ thận, cố tỉnh hoàn:

Ba kích 60g; tục đoạn, cẩu tích, hạt sen mỗi vị 40g; kim anh, tua sen, hoài sơn mỗi vị 20g, mẫu lệ nướng 10g. Tất cả đem tán bột mịn, trộn với mật làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống 10 - 20 viên, chia làm hai lần.

3. Trị liệt dương:

Nhục thung dung 60g; Ba kích, Đỗ trọng, Ngũ vị tử, Ích trí nhân, Sơn dược, Sơn thù, Thỏ ty tử, Ngưu tất, Phục linh, Tục đoạn, Viễn chí, Xà sàng tử mỗi vị30g. Tán bột. Luyện mật làm hoàn, ngày uống 12 - 16 g với rượu, lúc đói (Ba Kích Hoàn - Ngự Dược Viện).

4. Trị phụ nữ tử cung bị lạnh, kinh nguyệt không đều, xích bạch đới hạ:

Ba kích 120g, Lương khương 20g, Tử kim đằng 640g, Thanh diêm 80g, Nhục quế (bỏ vỏ), Ngô thù du mỗi vị 160g. Tán bột. Dùng rượu hồ làm hoàn. Ngày uống 20 hoàn với rượu pha muối nhạt (Ba Kích Hoàn - Cục Phương).

5. Trị lưng đau do phong hàn, đi đứng khó khăn:

Ngưu tất 120g, Đỗ trọng (bỏ vỏ, sao hơi vàng) 80g, Ba kích, Khương hoạt, Quế tâm, Ngũ gia bì, Can khương (bào) mỗi vị 60g. Tán bột, trộn mật làm hoàn, uống với rượu ấm (Ba Kích Hoàn - Thánh Huệ Phương).

6. Trị bụng đau, tiểu không tự chủ:

Ba kích (bỏ lõi), Nhục thung dung, Sinh địa đều 60g; Tang phiêu tiêu, Thỏ ty tử, Sơn dược, Tục đoạn đều 40g; Sơn thù du, Phụ tử (chế), Long cốt, Quan quế, Ngũ vị tử đều 20g, Viễn chí 16g, Đỗ trọng (ngâm rượu, sao) 12g, Lộc nhung 4g. Tán bột, làm hoàn 10g. Ngày uống 2-3 hoàn (Ba Kích Hoàn - Chứng Trị Chuẩn Thằng).

7. Trị tiểu nhiều:

Ích trí nhân, Ba kích thiên (bỏ lõi), 2 vị chưng với rượu và muối, Tang phiêu tiêu, Thỏ ty tử (chưng với rượu). Lượng bằng nhau. Tán bột. Dùng rượu chưng hồ làm hoàn to bằng hạt ngô đồng lớn, mỗi lần uống 12 viên với rượu pha muối hoặc sắc thành thang uống với muối ( Kỳ Hiệu Lương Phương).

─────

G. THAM KHẢO THÊM

+”Ba kích thiên chủ đại phong tà khí và đầu diện du phong. Phong thuộc dương tà, phần lớn bốc lên trên. Kinh viết: Tà khí thịnh thì chính khí suy, Ba kích thiên có tác dụng bổ tráng dương khí mà đẩy tà khí. Khi chân khí được bổ thì tà khí yên, vì vậy nó trừ được đại phong tà khí vậy. Trị âm nuy bất khởi (liệt dương), cường cân cốt, an ngũ tạng, bổ trung, tăng chí, ích khí; dưỡng 2 kinh Tỳ và Thận, vì vậy các chứng hư tự khỏi. Trị bụng dưới đau lan đến âm hộ, hạ khí, bổ ngũ lao, ích tinh, lợi nam tử, ngũ tạng bị lao (hư yếu), thận hư, hạ khí, giáng hỏa, hỏa giáng thì thủy thăng, âm dương hỗ trợ, tinh thần yên ổn, cho nên chủ Thận khí bị thấp trướng, làm mạnh nguyên dương, trị các chứng hư, không cần làm cho nó hết mà nó hếtvậy” (Bản Thảo Kinh Sơ).

+”Ba kích thiên là thuốc chữa phần huyết của Thận kinh, bổ cho nguyên dương mà dưỡng Vị khí, các chứng hư đều tựhết; công dụng giống vị Tỳ giải và Thạch hộc. Trường hợp nhiệt nhiều, Ba kích hợp với Hoàng bá, Tri mẫu có tác dụng cường âm; Hợp với Nhục thung dung, Tỏa dương có tác dụng tráng dương, đó là cách dùng nhiệt để tránh nhiệt, dùng hàn để tránh hàn vậy” (Bản Thảo Hối).

+”Nếu mệnh môn hỏa suy thì Tỵ Vị bị hư hàn, không thể kích thích tiêu hóa, dùng Phụ tử, Nhục quế để làm ấm mệnh môn, nhưng lại quá nhiệt, còn nếu dùng Ba kích thiên, vị ngọt ấm, bổ hỏa mà không nung đốt thủy sao? Hoặc hỏi rằng Ba kích thiênngười đời sau dùng trong thuốc hoàn, tán, không dùng trong thuốc thang là sao? Trả lời: Ba kích thiên chính là vị thuốc hay trong thang dược, vì nó ấm mà không nhiệt, kiện Tỳ, khai Vị, ích nguyên dương, uống vào có thể trừ được âm thủy, là dụng cụ bồi tiếp trực tiếp, có công hiệu trực tiếp và gián tiếp”(BảnThảo Tân Biên).

+”Ba kích thiên là thuốc chủ yếu bổ Thận, năng trị ngũ lao, thất thương, cường âm, ích tinh, khí vị cay, ấm, có tác dụng khứ phong, trừ thấp, vì vậy, phàm các chứng lưng đau, gối mỏi, phong thấp, cước khí, thủy thủng,dùng Ba kích rất có ích. Xem trong bài ‘Địa Hoàng Ẩm Tử, dùng để trị phong tà, lấy Ba kích làm đầu, vì nó bổ âm vậy”(Bản Thảo Cầu Chân).

+”Ba kích với Phá cố chỉ và Hồ lô ba đều có tác dụng ôn Thận nhưng Phá cố chỉ có sở trường đặc biệt là thu nạp được Thận khí, bình được suyễn nghịch do hư hàn; Hồ lô ba có tác dụng ôn tán hàn khí bên trong, trị bụng dưới đau do nội hàn; Ba kích thiên có tác dụng phát tán, thích hợp với chứng đau nội hàn do hàn tà bên ngoài gây ra. Tuy giống nhau về ôn Thận nhưng chủ trị khác nhau” (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Dâm dương hoắc bổ thận dương, thiên nhập vào phần khí của Thận kinh, có tính táo; Ba kích thiên bổ Thận dương, thiên nhập vào phần huyết của Thận kinh, không có tính táo. Nhục thung dung bổ Thận dương mà nhuận táo, thông tiện; Ba kích thiên bổ Thận dương mà có tác dụng trừ phong hàn, thấp tý. Ba kích thiên trị các chứng cước khí do:

1. Nội nhân: Thận dương hư, thủy thấp đình trệ.

2. Ngoại cảm phong hàn

Ba kích bổ Thận tráng dương công hiệu không giống vị Uy linh tiên “ (Trung Dược Dược lý Độc lý Dữ Lâm Sàng).

+ Ba kích có tác dụng giống với Dâm dương hoắc, cũng có tác dụng làm mạnh gân xương, tán phong thấp. Nhưng Ba kích vị cay kèm ngọt, tính hoà hoãn hơn, tác dụng của nó chuyên về hạ tiêu, đa số dùng trong trường hợp lưng đau, mỏi gối, cước khí, còn tác dụng đối với trị chứng dương nuy thì không bằng Dâm dương hoắc(Thực Dụng Trung Y Học).

Ý kiến bạn đọc