Cam thảo dây cây thuốc trị ngộ độc rất hay

28/12/2019, 21:12 PM
  • Chia sẻ
  • zalo

Trong y học dân tộc có 3 cây cùng tên cam thảo nhưng đặc điểm tự nhiên lại hoàn toàn khác nhau: Cam thảo Bắc, cam thảo Nam (hay còn gọi là cam thảo đất) và cuối cùng là cam thảo dây. Bài viết này, tác giả xin được giới thiệu về đặc điểm nhận biết và những công dụng chính của cây cam thảo dây.

─────

A. TÊN GỌI

- Tên thường dùng: Cam thảo dây

- Tên khoa học: Abrus precatorius L.

- Tên khác: Dây chi chi, dây cườm cườm, cườm thảo, tương tư đằng, cảm sảo (Tày)

- Họ khoa học: Thuộc họ Đậu (Fabaceae)

─────

B. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN

Như tên gọi đã nói lên đặc điểm của cây thuốc này, cây cam thảo dây có dạng dây leo, dài đến hơn 10m, tạo thành bụi lớn, cây xanh tốt quanh năm. Thân mảnh, có lông mịn, trên thân có những chấm nhỏ trắng phân bố đều. Lá kép lông chim, mọc so le, nhiều lá chét to dần về phía ngọn, hai mặt có lông mềm. Cụm hoa thành chùm ở kẽ lá và đầu cành; hoa màu hồng. Quả đậu ngắn, có lông mịn; hạt hình trứng, có vỏ cứng, màu đỏ có đốm đen. Rễ, thân, lá có vị ngọt như cam thảo bắc, nhưng ít đậm và thơm.

Mùa hoa quả: tháng 7 -10.

 

Lá cam thảo dây dạng lá kép lông chim

─────

C. PHÂN BỐ, NƠI MỌC

Trên thế giới, cam thảo dây phân bố ở vùng nhiệt đới châu Á bao gồm các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ, một số nước ở châu Phi, các đảo ở Thái Bình Dương.

Ở Việt Nam, cam thảo dây mọc hoang trên các trảng cây bụi ở vùng ven biển các tỉnh Hải Phòng (đảo Cát Bà), Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận.

Cây còn được trồng để làm thuốc ở một sổ tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, nhất là ở Hà Nội (làng Đại Yên). Một số gia đình trồng làm cảnh.

 

Trên thân cây có nhiều chấm trắng

─────

D. BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN

Rễ, thân, lá cam thảo dây được thu hái tốt nhất vào tháng 6 - 7, lúc cây chớm có hoa, cành lá được dùng phổ biến hơn, dùng tươi hoặc phơi, sấy khô. Dùng tươi không phải chế biến, dùng khô có thể tẩm mật, sao.

─────

E. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

- Thân, lá cam thảo dây chứa hoạt chất abrin, precatorin, cholin. Lá cũng có một tỷ lệ thấp chất glycyrhizin.

- Hạt chứa abrin với hàm lượng cao, nên thường gây ngộ độc.

 

Quả cam thảo dây

─────

F. TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

- Abrin có tính chất kích ứng mạnh, gây phù và bầm máu ở nơi thuốc vào qua da.

- Hạt cam thảo dây có tác dụng ngừa thai rõ rệt và gây sẩy thai trên súc vật thí nghiệm.

─────

G. CÔNG DỤNG, LIỀU DÙNG CAM THẢO DÂY

- Cam thảo dây được dùng thay thế cam thảo bắc mặc dầu vị ngọt của nó không đậm và thơm bằng. Ở những vùng có cây mọc, nhân dân thường hái cành lá về, để tươi, nấu với nước uống hàng ngày như nước chè.

- Về mặt thuốc, cam thảo dây có tác dụng giải cảm, giảm ho, tiêu thực, chi khát, chữa cảm, ho, ngộ độc, viêm ruột.

- Liều dùng hàng ngày: 8 - 16g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc hãm.

- Hạt cam thảo dây rất độc, giã nát, hòa với nước uống sẽ bị ngộ độc với triệu chứng ăn mất ngon, mệt mỏi, đau đầu, huyết áp hạ, chân tay lẩy bẩy, nôn mửa, tiêu chảy. Người ta đã tính nửa hạt cam thảo dây nhai nuốt đủ gây độc cho người. Nước ngâm hạt cam thảo dây nhỏ vào mắt sẽ bị hỏng giác mạc, nếu bôi vào chỗ da bị xước sẽ gây loét tại chỗ. Do đó, tuyệt đối không dùng hạt cam thảo dây để chữa bệnh về mắt, bệnh ngoài da và dùng uống.

 

Lá non cam thảo dây

─────

H. CÁC BÀI THUỐC DÙNG CAM THẢO DÂY

1. Chữa cảm, đầy bụng, khó tiêu:

Cam thảo dầy (20g), nhân trần (10g), kim tiền thảo (10g). Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm hai lần trong ngày.

2. Chữa ngộ độc, nhất là ngộ độc thức ăn:

Cam thảo dây (30 - 50g), sắc lấy nước đặc; hạt đậu xanh (20g) để sống và cả vỏ, nghiền nát, uống vối nước sắc trên. Ngày làm nhiều lần.

3. Trị viêm phế quản mãn, ho khạc đờm trắng:

Trần bì (sao vàng), La bạc tử (là hạt già của cây củ cải (sao thơm), Vỏ vối (sao thơm) mỗi vị10g, Cam thảo dây 8g, Gừng tươi 4g

Các vị cho vào 600ml nước, sắc lấy 200ml nước thuốc chia uống 2 lần.

Ngày uống 1 thang. Bài thuốc này có tên TRẤN BÌ LA BẠC THANG.

4. Chữa ho lâu ngày, viêm họng:

Vỏ rễ dâu (10g), thiên môn (10g), bách bộ (10g, bỏ lõi, sao vàng, sâm Bố chính (10g), cam thảo dây (8g, để tươi), xạ can (5g), vỏ quýt (5g). Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm hai lần trong ngày. Có thể nấu thành cao lỏng, mỗi lần uống 1 thìa cà phê.

5. Chữa mụn nhọt trốc lở toàn thân:

- Bồ công anh, sài đất, cam thảo dây mỗi vị 15g, kim ngân dây, thương nhĩ tử (ké đầu ngựa, đem sao cháy) mỗi vị 10g.

- Các vị cho vào 800ml nước, sắc lấy 200ml nước thuốc chia uống 2 lần trong ngày.

- Ngày uống 1 thang.

6. Chữa phù thận, đái nhắt, nước tiểu vàng đục:

Rễ dứa dại (200g), râu ngô (150g), củ sả (50g), nõn tre (25g), cam thảo dây (25g), trấu gạo nếp (50g, sao thơm).

Tất cả nấu với hai lít nước cho sôi kỹ trong 30 phút. Lọc, thêm đường, uống ngày 2 - 3 lần. Người lốn: mỗi lần 200 - 300ml, trẻ em: 100 - 150ml.

7. Chữa tê thấp, đau lưng, nhức mỏi gân xương:

Rễ trinh nữ (20g), rễ bưởi bung (20g), rễ cúc tần (20g), rễ đinh lăng (10g), rễ cam thảo dây (10g).

Tất cả thái nhỏ, sao qua, sắc uống làm hai lần trong ngày.

Có thể ngâm rượu uống.

Video giới thiệu về cây Cam thảo dây:

Ý kiến bạn đọc