Cối xay, cây thuốc chữa ù tai, bí tiểu, giải nhiệt

26/12/2019, 21:46 PM
  • Chia sẻ
  • zalo

Cối xay là vị thuốc quý trong Đông y có vị hơi ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, long đờm và lợi tiểu. Lá có nhiều chất nhầy dịu kích thích. Vỏ làm se và lợi tiểu. Hạt có tác dụng kích dục, nhuận tràng và làm dịu kích thích. Nước hãm rễ có thể giảm sốt. 

─────

A. TÊN GỌI

- Tên khác: Kim hoa thảo, Nhĩ hương thảo, Ma bản thảo, Dằng xay, Quýnh ma, Ma mãnh thảo, Co tó ép (Thái), Phao tôn (Tày).

- Tên khoa học: Ahutilon indicum (L.) G. Don (Sida indica L.).

- Họ khoa học: Thuộc họ Bông (Malvaceae).

─────

B. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN

Cối xay là cây mọc hoang hoặc cũng được trồng ở nhiều nơi để làm thuốc, cây nhỏ, sống dai, mọc thành bụi, cao chừng hơn 1m, thân thẳng, có lông mềm hình sao. Lá mọc so le, hình tim, có cuống dài, mép khía răng. Hoa màu vàng, mọc riêng lẻ ở kẽ lá, cuống gấp khúc, quả nom giống cái cối xay, có lông và cuống dài. Hạt hình thận, nhẵn, màu đen nhạt.

Quả cây cối xay

─────

C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Toàn cây cối xay đều được dùng làm thuốc. Thu hái vào mùa hạ, thu. Dùng tươi hoặc phơi khô. Thành phần hóa học gồm có:

- Flavonoid, hợp chất phenol, acid amin, acid hữu cơ, đường. Các flavonoid là gossypin, gossypitin, cyanidin-3-rutinosid. Các acid amin là alanin, acid glutamic, arginin, valin. Các đường là glucose, fructose, galactose.

- Hạt chứa 5% dầu béo, các acid béo là acid palmitic, acid stearic và một số acid béo khác; phần không xà phòng hóa chiếm 1,7%

─────

D. TÍNH VỊ VÀ CÔNG DỤNG

Cối xay có vị hơi ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, long đờm và lợi tiểu. Lá có nhiều chất nhầy dịu kích thích. Vỏ làm se và lợi tiểu. Hạt có tác dụng kích dục, nhuận tràng và làm dịu kích thích. Nước hãm rễ có thể giảm sốt. 

Dùng để chữa cảm sốt, nhức đầu, ù tai, bí tiểu, tiện, bạch đới.

Ngày 4 - 8 g rễ hoặc lá, sắc. Chữa mụn nhọt, lỵ, rắn cắn: Lá tươi và hạt (ngày 8 - 12g) giã, thêm nước uống, bã đắp. Chữa vàng da, hậu sản : Phối hợp cối xay với các dược liệu khác.

Cây cối xay đang ra hoa và quả

Kiêng kỵ:

Người có thận hư hàn tiểu tiện nhiều và trong, ỉa chảy không nên dùng. Cẩn thận đối với phụ nữ đang mang thai.

Liều lượng:

Ngày dùng 8 - 12g, dạng thuốc sắc.

─────

E. CÁC BÀI THUỐC LIÊN QUAN

1. Cối xay chữa đau tai, tật điếc:

Cối xay 60g, hoặc 20-30g quả, nấu với thịt lợn. Đối với tật điếc, dùng rễ cối xay, mộc hương, vọng giang nam, mỗi vị 60g, nấu với đuôi lợn ăn với cơm.

2. Chữa đau tai, ù tai, thính lực giảm:

Quả cối xay 30g (hoặc toàn cây tươi 60g), nấu canh với thịt heo nạc để ăn cơm.

3. Cối xay chữa tiểu tiện bí, tiểu rắt, tiểu buốt:

Cây cối xay 30g, bông mã đề, rễ cỏ tranh mỗi vị 20g, râu bắp, rau má mỗi vị 12g, cỏ màn trầu 8g nấu với 650ml nước, sắc còn 250ml, chia 2 lần, uống trước bữa ăn.

Hoa cây cối xay co màu vàng

4. Chữa xơ gan:

Quả dứa dại (20g), thân cây ráy gai (20g), vỏ cây quao nước (10g), vỏ cây vọng cách (10g), lá cối xay (10g), lá trâm bầu (10g), rễ cỏ xước (10g), cỏ hàn the (10g), cỏ tranh (10g). sắc uống trong ngày.

5. Cối xay chữa cảm sốt, nhức đầu do phong nhiệt:

Cây cối xay 12-16g, lá tre 8g, bạc hà 6g, kinh giới 8g, kim ngân hoa 12g, nấu với 750ml nước, sắc còn 250ml, chia 2 lần, uống trước bữa ăn.

6. Cối xay chữa phụ nữ sau khi sinh bị phù thũng:

Lá cối xay 20-30g, ích mẫu 12-16g, nấu với 300ml nước, sắc còn 150ml, chia 2 lần, uống trước bữa ăn.

7. Chữa phù thũng: 

Rễ đơn châu chấu 12g, rễ cây thóc lép 10g, lá cối xay 3g, sao vàng sắc uống.

8. Hỗ trợ điều trị bệnh trĩ:

Rễ cối xay 200g, sắc đặc, uống 1 chén thuốc (bằng chén trà), còn lại thừa lúc nóng xông hậu môn, khi nước còn ấm thì dùng rửa, ngày xông rửa 5-6 lần.

9. Cối xay trị kiết lỵ hay mắt cá màng mộng:

Quả Cối xay, hoa Mào gà mỗi vị 30g, sắc uống.

10. Chữa thấp khớp:

Lá mướp đắng (10g), rễ cây xấu hổ (8g, sao), dây đau xương (8g, tẩm rượu sao), rễ nhàu (8g), rễ cỏ xước (8g), vòi voi (8g, sao), lá cối xay (8g), rễ ngũ trảo (5g), quế chi (4g), gừng sống (3g), dây thần thông (2g). Tất cả cắt nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn l00ml, uống làm hai lần trong ngày.

11. Hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp:

Lá cối xay khô, rễ cây xấu hổ mỗi vị 5g, rau muống biển, rễ cỏ xước, lá lạc tiên, lá lốt  mỗi vị 3g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, hãm nước uống thay trà trong ngày. Dùng liên tục 1 tháng.

12. Chữa sốt, vàng da:

Nhân trần (16g), lá vọng cách (16g), lá cối xay (12g). sắc uống ngày một thang. Dùng nhiều ngày.

13. Mày đay do dị ứng:

Toàn cây cối xay 30g, thịt lợn nạc 100g, hầm chín, ăn thịt lợn và uống nước thuốc. Dùng từ 7 - 10 ngày.

Video giới thiệu về cây cối xay:

─────

Trên đây là đặc điểm tự nhiên của cây cối xay và những bài thuốc dùng đến vị thuốc nhĩ hương thảo. Hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn về cây thuốc cối xay vào phần bình luận phía dưới.

Nếu bạn thấy hay và ý nghĩa, hãy chia sẻ cho nhiều người cùng biết đến bạn nhé!

Ý kiến bạn đọc