Ngấy hương (đùm đũm) trị viêm gan, vàng da

11/03/2020, 22:07 PM
  • Chia sẻ
  • zalo

Cây ngấy hương hay còn gọi là đùm đũm thuộc họ hoa hồng, là cây mọc hoang nhiều ở các tỉnh miền núi nước ta. Theo kinh nghiệm dân gian, cây ngấy hương trị loét miệng, viêm gan, vàng da rất hay.

─────

GIỚI THIỆU VỀ NGẤY HƯƠNG

- Tên thường gọi: Ngấy hương.

- Tên khác: Đùm đũm, cây tu hú, ngấy chĩa lá.

- Tên khoa học: Rubus cochinchinensis Tratt.

- Họ: Rosaceae (hoa hồng).

Quả cây ngấy hương

─────

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN CÂY NGẤY HƯƠNG

Ngấy hương là cây mọc hoang ở các tỉnh miền núi phía Bắc, bắt gặp nhiều ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang. Thuộc loại cây bụi, thân nhiều gai vươn dài vươn dựa vào cây khác. Lá giống với lá cây phúc bồn tử (lá kép 5 hoặc 3 lá chét, mép có răng cưa, lá chét giữa lớn hơn các lá còn lại, cuống chung dài, có gai), chỉ khác lá cây ngấy hương mặt trên xanh đậm hơn, mặt dưới màu vàng, có lông. Hoa màu trắng mọc thành chùm ở nách lá gần ngọn. Quả giống quả phúc bồn tử (hình cầu gồm nhiều quả hạch con, màu đỏ). Hoa quả từ tháng 4 - 7.

 

Cành cây ngấy hương (đùm đũm)

Cành cây ngấy hương

─────

THU HÁI, CHẾ BIẾN 

Toàn cây ngấy hương đều có thể dùng làm thuốc. Cây được thu hái thân quanh năm, phơi khô, bảo quản kín để dùng dần.

─────

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

- Quả ngấy hương chứa vitamin C, pectin, fructoz, acid ellagic và acid hữu cơ khác. Quả ngấy hương chóng hỏng nên thu hái về cần chế biến luôn, hoặc để tủ lạnh; nhiều trường hợp sấy khô đem dùng dần. 

- Lá cây ngấy hương có flavonoid, tanin, fragarin, acid gallic và ellagic.

Mặt dưới lá cây ngấy hương

Mặt dưới lá cây ngấy hương

─────

TÍNH VỊ - CÔNG DỤNG CỦA NGẤY HƯƠNG

1. Tính vị:

Ngấy hương có vị chua, ngọt nhạt, tính bình, mùi thơm nhẹ, vào kinh tỳ và thận, có tác dụng giúp tiêu hóa, bổ ngũ tạng, làm cường dương, mạnh chí thêm sức, giải độc, tiêu phù.

2. Công dụng:

- Quả ngấy hương ăn ngon và bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe nam giới.

- Thân lá phơi khô thái nhỏ, sao thơm, sắc uống thay chè, dùng cho phụ nữ mới đẻ, chóng lại sức, ăn được và cho người tiêu hóa kém, ăn không tiêu, đầy bụng, phù thũng, viêm gan, vàng da. Uống lâu thì trừ được hàn thấp, đẹp da, đen tóc, nhẹ mình, sống lâu. Thân lá không sao, sắc uống để giải nhiệt và phối hợp với các vị thuốc khác chữa đái vàng, đái buốt.

Liều dùng hàng ngày: 6-12 g quả, hoặc 15-30 g thân lá.

─────

CÁC BÀI THUỐC LIÊN QUAN TỪ CÂY NGẤY HƯƠNG

1. Trị sạn thận: 

Ngấy hương làm giảm lượng lớn canxi trong nước tiểu, vì vậy có khả năng chống sạn thận.

2. Chống ốm nghén: 

Kinh nghiệm dân gian dùng quả Ngấy hương cho phụ nữ ốm nghén. Tuy nhiên, với dược học hiện đại, chưa có công bố thử nghiệm về tác hại của quả Ngấy hương vào thai nhi, vì vậy, nên cẩn thận khi dùng cho thai phụ.

Quả chín của cây ngấy hương

Quả chín của cây ngấy hương

3. Trị viêm gan cấp và mạn, viêm tuyến vú, viêm loét miệng:

Cành lá cây Ngấy hương 30g, ba kích, kim anh, mỗi vị 10 - 15g, sắc uống.

4. Chữa tiêu hoá kém, phù thũng, viêm gan vàng da.

Liều dùng 15-30g hay hơn.

Dân gian dùng dây nấu nước uống và tắm chữa sản hậu, thân lá sắc uống giải nhiệt và phối hợp với các vị thuốc khác chữa đái vàng, đái buốt.

5. Trị viêm gan mạn tính, sưng gan, viêm tuyến vú:

Dùng 30 - 40g cành lá cây Ngấy hương, với cây ô rô, mộc thông, mỗi vị 15 - 20g, sắc uống.

6. Chữa viêm gan, đau gan: 

- Ngấy hương 30g, khúc khắc, đảng sâm, rau má mỗi loại 20g, râu ngô, hoàng bá nam (vỏ núc nác) 15g, lá chanh 5g.

- Nếu có sốt thêm 20g kim ngân. Tất cả thái nhỏ, sao vàng, sắc uống. Trẻ em tùy tuổi dùng bằng 1/3-2/3 người lớn.

Video giới thiệu về cây ngấy hương:

7. Chữa vàng da: 

Ngấy hương 20g, lá vằng 10g. Hai thứ phơi khô tán nhỏ, sắc uống. Dùng 7-10 ngày.

8. Chữa cảm thấp, nôn mửa, gai lạnh, ăn uống không tiêu:

Dùng 40-50g lá Ngấy hương khô sắc uống. Có thể phối hợp với Gừng sống 3g và lá Sả 20g sắc uống.

9. Chữa phù thũng: 

Ngấy hương 20g, rễ cỏ tranh, cỏ mần trầu mỗi loại 10g. Tất cả thái nhỏ sao vàng, sắc với 400ml nước, còn 100ml chia 2 lần uống trong ngày. Nếu đi tiểu ra máu thêm 10g cây dừa cạn.

10. Phù thũng toàn thân

- Dây chạc chìu 40g         - Râu ngô 10g

- Rễ ngấy hương 20g       - Củ sả 20g

- Rễ và cây xấu hổ 20g    - Hy thiêm 20g

- Mã đề 10g

Sắc với 3 bát nước còn 1 bát, cho uống trước lúc ăn ngày uống.

10. Chữa tóc khô cằn, hay rụng:

Kết hợp ăn quả và ép nước quả bôi vào chân tóc hàng ngày. 

─────

Trên đây là đặc điểm tự nhiên và công dụng dùng làm thuốc của cây ngấy hương (đùm đũm). Bạn biết thêm công dụng nào khác của cây này thì hãy để lại ý kiến của mình vào phần Bình luận phía dưới nhé. Cảm ơn bạn!

 

Ý kiến bạn đọc