Kim ngân hoa cây thuốc sát trùng, thanh nhiệt rất hay

16/11/2019, 20:33 PM
  • Chia sẻ
  • zalo

Kim Ngân hoa (Nhẫn đông hoa) có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, không độc, vào 4 kinh tâm, phế, vị và tỳ, có tác dụng, sát trùng, thanh nhiệt, giải độc.

─────

A. TÊN GỌI

- Tên khoa học: Lonicera japonica Thunb.

- Tên thường gọi: Kim ngân hoa

- Họ khoa học: Họ Cơm Cháy (Caprifolianceae).

- Tên khác: Ngân hoa, Nhẫn đông hoa, Kim Ngân Hoa Lộ, Mật Ngân Hoa, Ngân Hoa Thán, Tế Ngân Hoa, Thổ Ngân Hoa, Tỉnh Ngân Hoa, Kim Đằng Hoa.

─────

B. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN

- Kim ngân hoa là cây ưa sáng, thườ̀ng mọc ở rừng thứ sinh, đồi cây bụi và rừng núi đá vôi, cây có thân dạng dây leo quấn quanh những cây khác, cành non có lớp lông bao phủ gồm lông đơn ngắn và lông tuyến có cuống, màu hơi đỏ có vân. Lá mọc đối, hơi dày, hình mũi mác – trái xoan, dài 4-7 cm, rộng 2-4 cm, gốc tròn, đầu nhọn, nhăn trừ mặt dưới trên các gân, cuống lá dài 5-6 mm, có lông.

- Hoa cây kim ngân mọc ở các kẽ lá và tận cùng thành xim hai hoa; lá bắc giống các lá con hình mũi mác, lá bắc con tròn có lông thưa ở mép, dài 5 răng mảnh, đôi khi không bằng nhau, có lông; tràng màu trắng sau chuyển màu vàng có lông mịn và lông tuyến ở ngoài, thơm, ống tràng dài 1,8-2 cm, môi dài 1,5-1,8 cm, nhị 5 thò ra ngoài, dính ở họng tràng, bao phấn đính lưng.

 

Hoa cây kim ngân hoa

- Quả hình cầu, màu đen.

- Mùa hoa: tháng 3-5; mùa quả: tháng 6-8. Một số loài khác đôi khi cũng được sử dụng như kim ngân lông (Lonicera cambodiana Pierre ex Danguy), kim ngân lằn (Lonicera confusa DC.), kim ngân hoa to (Lonicera macrantha DC.)

- Thời gian gần đây kim ngân hoa được trồng làm cảnh và làm thuốc nhiều, có thể nhân giống bằng hạt bằng giâm hom. Trong tự nhiên cây tái sinh bằng hạt, khi bị chặt phá phát rừng, phần gốc còn lại vẫn có khả năng tái sinh khỏe. 

─────

C. PHÂN BỐ, SINH THÁI

- Chi Lonicera L. có khoảng 10 loài ở Việt Nam, tất cả đều được dùng làm thuốc.

- Kim ngân có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Á, phân bố ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên. Ở Việt Nam, kim ngân phân bố chủ yếu ở các vùng núi và trung du phía bắc, như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh…

 

 

Lá cây kim ngân hoa mọc đối

─────

D. TÁC DỤNG CỦA KIM NGÂN HOA

Kim Ngân hoa (Nhẫn đông hoa) có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, không độc, vào 4 kinh tâm, phế, vị và tỳ, có tác dụng, sát trùng, thanh nhiệt, giải độc. Bộ phận chính dùng làm thuốc là hoa sắp nở (có lẫn một số hoa đã nở) đã phơi hay sấy khô, thân và cành thu hái quanh năm phơi hay sấy khô (dùng ít). Dưới đây là những bài thuốc của Kim ngân hoa.

1. Chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, một số trường hợp dị ứng:

- Kim ngân 6g (hoa) hoặc 12g (cành và lá), nước 100 ml, sắc còn 10 ml, thêm đường vào cho đủ ngọt (chừng 4g). Đóng vào ống bịt kín, hấp tiệt trùng để bảo quản. Nếu dùng ngay thì không cần đóng ống và chỉ cần đun sôi rồi giữ sôi trong 15 phút đến nửa giờ là uống được. Người lớn: ngày uống 2 đến 4 liều trên 2-4 ống, trẻ em từ 1 đến 2 điều 1-2 ống.

- Đơn thuốc trên thêm 3 g ké đầu ngựa cùng một công dụng và liều dùng.

2. Chữa ngộ độc cà độc dược:

Vỏ hạt đậu xanh 80g, kim ngân hoa 40g, liên kiều 20g, cam thảo 10g, sắc uống ngày một thang.

3. Chữa viêm ruột, trĩ nội:

Quả hòe, kim ngân hoa mỗi vị 100g, cam thảo dây 12g, nghệ vàng 10g. Quả hòe sao kỹ đến khi có màu tím sẫm, tán bột. Các dược liệu khác phơi khô, tán bột. Trộn đều. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g vào lúc đói. (Kinh nghiệm của lương y Am, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình).

4. Chữa mụn nhọt mẩn ngứa: 

Hoa kim ngân 6g, cam thảo 3g. Nước 200ml. Sắc còn 100ml chia 2 hay 3 lần uống trong ngày.

 

Dây kim ngân hoa

Kim ngân cuốn lên cây khác tạo thành bụi

5. Chữa mụn nhọt, sốt, cảm (Ngân kiểu tán):

+ Hoa kim ngân, Liên kiều mỗi vị 40g,

+ Cát cánh, Bạc hà, Ngưu bàng tử mỗi vị 24g,

+ Đạm dậu sị...........20g,

+ Đạm trúc diệp, Tinh tới tuệ mỗi vị16g,

Tất cả sấy khô tán bột. Có thể làm thành viên, ngày uống 1 – 2 lần, mỗi lần 12g.

6. Chữa mụn nhọt: 

+ Kim ngân hoa 20g;

+ Bồ công anh 16g;

+ Liên kiều, hoàng cầm, gai bồ kết, mỗi vị 12g;

+ Bối mẫu 8g, trần bì 6g, cam thảo 4g.

Sắc uống ngày một thang.

7. Chữa đinh râu (Ngũ vị tiêu độc ẩm gia giảm): 

+ Kim ngân hoa, bồ công anh, tử hoa địa đinh, mỗi vị 40g,

+ Cúc hoa, liên kiều, mỗi vị 20g.

Nếu sốt cao tại chỗ sưng đau nhiều thêm thạch cao 40g; hoàng cầm, chi tử sống, đan bì, mỗi vị 12g; hoàng liên 8g. Sắc uống ngày một thang.

8. Chữa sưng vú:

Bồ công anh 30g, lá mua non 20g; kim ngân hoa, rễ đơn châu chấu, rễ cây trôm mỗi vị 10g. Tất cả để tươi, giã nát, trộn với ít nước vo gạo, đắp băng. Ngày làm một lần.

Quả chín kim ngân màu đen

9. Chữa cảm cúm: 

+ Kim ngân.........4g,

+ Tía tô, Kinh giới, Cam thảo đấtCúc tần hay sài hồ nam mỗi vị 3g,

+ Mạn kinh (Vitex trifolia L)...2g,

+ Gừng.....................3 lát.

Tất cả dùng lá phơi khô, sắc uống.

10 Chữa viêm phổi:

+ Kim ngân hoa, sinh địa, huyền sâm, mỗi vị 20g;

+ Địa đất bì, sa sâm, mạch môn, mỗi vị 16g;

+ hoàng liên 12g, xương bồ 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Hoặc:

+ Kim ngân, sinh địa, huyền sâm, mạch môn, mỗi vị 20g;

+ Liên kiều, uất kim, đan bì, mỗi vị 12g;

+ Hoàng liên, thạch xương bồ, mỗi vị 6g.

Sắc uống, ngày 1 thang.

11. Chữa sởi: 

+ Hoa kim ngân......30g,

+ Cỏ ban.................30g.

Dùng tươi, giã nhỏ, thêm nước, gạn uống. Có thể phơi khô, sắc uống.

12. Chữa viêm cầu thận cấp tính: 

+ Kim ngân, bồ công anh, mỗi vị 20g;

+ Mã đề................12g,

+ Vỏ quýt, vỏ rễ dâu, vỏ cau khô, ngũ gia bì, quế chi, mỗi vị 8g;

+ Vỏ gừng 6g. Sắc uống ngày một thang.

13. Chữa áp xe phổi giai đoạn viêm nhiễm, xung huyết, khởi phát: 

+ Kim ngân, sài đất, bồ công anh, mỗi vị 20g;

+ Tang bạch bì, ý dĩ, mỗi vị 16g;

+ Kinh giới, hạnh nhân, mỗi vị 12g.

Sắc uống ngày 1 thang.

14. Chữa áp xe phổi giai đoạn toàn phát: 

+ Kim ngân.........................20g,

+ Hoàng đằng, ý dĩ, mỗi vị ......16g;

+ Liên kiều, hoàng liên đào nhân, mỗi vị ...2g; 

+ Đình lịch tử............8g.

Sắc uống ngày một thang.

15. Chữa viêm gan mãn tính (hoàng cầm hoạt thạch thang gia giảm): 

+ Kim ngân 16g,

+ Nhân trần 20g,

+ Hoàng cầm, hoạt thạch, đai phúc bì, mộc thông, mỗi vị 12g,

+ Phục linh, trư linh, đậu khấu, mỗi vị 8g; cam thảo 4g.

Sắc uống ngày 1 thang.

16. Chữa viêm gan virus (ngũ linh thang gia giảm): 

+ Kim ngân, xa tiền mỗi vị 16g,

+ Nhân trần 20g,

+ Phục linh, ý dĩ mỗi vị 12g;

+ Trư linh, trạch tả, đai phúc bì, mỗi vị 8g.

Sắc uống ngày 1 thang.

17. Chữa viêm khớp dạng thấp (Bạch hổ quế chi thang gia vị): 

+ Kim ngân..........20g,

+ Thạch cao..........40g,

+ Tri mẫu, tang chi, ngạnh mễ, hoàng bá, phòng kỷ, mỗi vị 12g;

+ Thương truật 8g; quế chi 6g.

Sắc uống ngày một thang.

18. Chữa sốt xuất huyết: 

+ Kim ngân hoa, rễ cỏ tranh, mỗi vị 20g;

+ Cỏ nhọ nồi, hoa hòe, mỗi vị 16g;

+ Liên kiều, hoàng cầm, mỗi vị 12g;

+ Chi tử.............8g.

Sắc uống ngày 1 thang. Nếu khát nước, thêm huyền sâm sinh địa, mỗi vị 12g; sốt cao thêm chi mẫu 8g.

19. Viêm bạch mạch cấp (giải độc đại thanh thang gia giảm):

+ Kim ngân, đại thanh diệp, sinh địa, mỗi vị 40 g;

+ Huyền sâm, chi tử sống, mỗi vị 12g;

+ Mộc thông 4g.

Nếu sốt cao thêm thạch cao 40g, hoàng liên 4g. Sắc uống ngày một thang.

20. Chữa nhiễm khuẩn huyết (Thanh doanh thang gia giảm): 

+ Kim ngân hoa, sinh địa, mỗi vị 40g;

+ Huyền sâm, liên kiều, mỗi vị 20g;

+ Địa cốt bì, đan bì, tri mẫu, mạch môn, mỗi vị 12g; hoàng liên 6g.

Sắc uống ngày một thang.

21. Chữa viêm phổi trẻ em: 

+ Kim ngân hoa.........16g;

+ Thạch cao...............20g;

+ Tang bạch bì............8g;

+ Tri mẫu, hoàng liên, liên kiều, hoàng cầm, mỗi vị 6g;

+ Cam thảo..................4g.

Sắc uống ngày 1 thang.

22. Chữa co giật trẻ em (Hương nhu ẩm gia giảm): 

+ Kim ngân hoa 16g;

+ Hương nhu, biển dậu, mỗi vị 12g;

+ Hậu phác, liên kiều, mỗi vị 8g.

Sắc uống ngày 1 thang.

23. Chữa trẻ em bị sốt cao mà kinh giật:

Hoa khế 8g; kim ngân hoa, lá dành dành, nhọ nồi mỗi vị 8g; cam thảo, bạc hà mỗi vị 4g. Tất cả tán bột, rây mịn, mỗi lần uống 4g. Ngày 2 - 3 lần.

24. Chữa viêm phần phụ cấp tính: 

+ Kim ngân, liên kiều, tỳ giải, ý dĩ, mỗi vị 16g;

+ Hoàng bá, hoàng liên, mã dề, nga truật, mỗi vị 12g;

+ Uất kim, tam lăng, mỗi vị 8g,

+ Đại hoàng.............4g.

Sắc uống ngày một thang.

25. Chữa viêm màng tiếp hợp cấp: 

+ Kim ngân 16g;

+ Liên kiều, hoàng cầm, ngưu bàng tử, mỗi vị 12g;

+ Chi tử 8g; bạc hà, cát cánh, mỗi vị 6g.

Sắc uống ngày một thang.

Chú ý:

- Những ai tỳ vị hư hàn không thực nhiệt, hoặc mồ hôi ra nhiều không nên dùng.

- Khi dùng kim ngân hoa mà bị ỉa lỏng, chỉ cần giảm liều hoặc nghỉ uống là hết

- Kim ngân có tác dụng cải thiện chuyển hóa chất béo trong tăng lipid máu, sau khi uống thuốc, các ester trong huyết thanh giảm. Nước cất nụ hoa kim ngân (kim ngân hoa lệ) được dùng tiêm để điều trị bệnh nhiễm khuẩn.

- Kim ngân đã được dùng từ lâu đời ở Trung Quốc như một thuốc hạ sốt, làm dễ tiêu và trị liệu. Hoa phơi khô dùng để lợi tiểu.

─────

Tham khảo thêm về kim ngân hoa:

1. Tác dụng dược lý của kim ngân hoa:

- Tác dụng kháng khuẩn:

Nước sắc hoa kim ngân có tác dụng ức chế rất mạnh đối với tụ cầu khuẩn, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn Shiga. Nước sắc có tác dụng mạnh hơn các dạng bào chế khác.

Khi nghiên cứu tác dụng kháng khuẩn in vitro bằng các phương pháp khuếch tán và hệ nồng độ, người ta thấy nước sắc cô đặc 100% của hoa kim ngân có tác dụng kháng khuẩn mạnh đối với các trực khuẩn lỵ, dịch hạch, thương hàn, cận thương hàn, viêm cầu khuẩn tan máu, phẩy khuẩn tả. Tác dụng yếu hơn đối với các trực khuẩn bạch cầu, E.coli, phế cầu, tụ cầu khuẩn vàng.

Nước sắc lá kim ngân với nồng độ 20 - 1,2% ức chế trực khuẩn Shiga, với nồng độ 20 – 5% ức chế trực khuẩn thương hàn, nồng độ 100% có tác dụng đối với tụ cầu khuẩn.

- Tác dụng trên chuyển hóa chất béo: Kim ngân có tác dụng tăng cường chuyển hóa các chất béo.

- Tác dụng trên đường huyết: Nước sắc hoa kim ngân cho uống làm tăng lượng đường huyết trên thỏ, tác dụng kéo dài 5 – 6 giờ.

- Tác dụng chống choáng phản vệ: Nước sắc kim ngân cho uống có tác dụng ngăn chặn chóng phản vệ trên chuột lang. Ở chuột lang uống kim ngân số lượng và tính chất các dưỡng bào ở MAC treo ruột ít thay đổi. Lượng histamin ở phổi chuột lang bị choáng phản vệ cao gấp rưỡi so với chuột lang bình thường và chuột lang uống kim ngân trước khi gây choáng.

Độc tính: chuột nhất trắng sau khi được cho uống nước sắc kim ngân liên tục 7 ngày với liều gấp 150 lần liều điều trị cho người, vẫn sống bình thường, giải phẫu các bộ phận không thấy có thay đổi gì đặc biệt.

Trong chăn nuôi, người ta dùng lá, thân cây kim ngân hoa sắc nước pha lẫn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho con gia súc, hay dùng chăn nuôi lợn. Để tham khảo về kinh nghiệm này, hãy xem video dưới đây:

 

2. Cách trồng kim ngân hoa:

- Kim ngân là cây ưa sáng, thích nghi với nhiều điều kiện khí hậu và đất đai ở cả miền núi, trung du và đồng bằng, nhưng ở nơi mát mẻ cây phát triển nhanh hơn nơi có khí hậu nóng. Đất trồng kim ngân phải mầu mỡ và tránh ngập nước.

- Trồng kim ngân chủ yếu vào tháng 9-10 hoặc tháng 2-3 bằng cách giâm Hom. Thời vụ mùa đông và mùa xuân rất thuận lợi cho cây sinh trưởng.

- Khi trồng, đào hồ 30x30x30 cm với khoảng cách 60×80 cm, mỗi hố bón 5-7 kg phân chuồng hoai mục trộn đều với đất, rồi đặt 2-3 hom giống. Hom giống là những đoạn thân gần gốc, dài 30 cm, lấy từ nhánh chưa ra hoa của cây 1-2 năm tuổi. Nếu lấy hom từ nhánh đã ra hoa để trồng thì năm sau cây không ra hoa mà phải chờ tới năm sau nữa. Hom từ cây già có tỷ lệ sống thấp. Đặt hom đã cắt hết lá nghiêng xuống hố, lấp kín đất đến 3/4 độ dài hom, sau đó tưới nước

- Sau khoảng 15 ngày hom giống ra rễ, mọc chồi. Khi cây mọc, phải giữ cho ruộng luôn đủ ẩm và sạch cỏ dại. Trong 2 tháng đầu, dùng nước phân chuồng tưới thúc cho cây 3 lần. Về sau, mỗi năm bón thúc 2 lần vào các tháng 6-7 và 9-10, mỗi lần 5-7 kg phân chuồng mục. Ngoài ra, có thể bón thêm lân.

- Là cây sống dựa, kim ngân cần có giàn leo. Tốt nhất là loại giàn hình mái nhà làm bằng cây que khoẻ, chắc. Nếu là cây quá tốt, cần tỉa bớt cành, lá.

- Sâu bệnh chủ yếu hại kim ngân là rệp, có thể diệt trừ bằng Sherpa 25 EC.

Ý kiến bạn đọc