Bồ công anh Việt Nam những công dụng không thể bỏ qua

08/12/2019, 15:27 PM
  • Chia sẻ
  • zalo

Bồ công anh có vị đắng, hơi ngọt, tính mát, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm chữa các chứng mụn nhọt, sưng vú, áp xe, đầu đinh, bắp chuối, chốc lở, rôm sẩy, đau dạ dày.

Lưu ý, cần tránh nhầm lẫn với cây bồ công anh Trung Quốc và cây Chỉ thiên.

 

Cây bồ công anh

─────

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN CÂY BỒ CÔNG ANH

Bồ công anh Việt Nam là cây mọc hoang nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc, được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Diếp dại, diếp trời, mũi mác, rau bồ cóc, rau mét, phắc bao (Tày), lày máy kìm (Dao), rau đắng bao..., có tên khoa học: Lactuca indica L, thuộc họ cúc (Asteraceae). Bồ công anh thuộc dạng cây thảo, chiều cao cây 0,5 - 1,5m. Thân hình trụ, nhẵn, màu lục hoặc điểm những đốm tía. Lá mọc so le, không cuống, những lá phía dưới xẻ thùy hẹp và sâu, mép khía răng nhọn, các lá phía giữa và gần ngọn ngắn và hẹp hơn, có răng thưa hoặc hoàn toàn không xẻ. (Lưu ý: Có 1 loại nữa lá chỉ có răng cưa mà không xẻ thùy sâu).

Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc ngọn thân thành chùy dài phân nhánh, mang nhiều đầu, mỗi đầu có 8 - 10 hoa màu vàng nhạt, ống tràng mảnh, tràng có lưỡi dài, nhị 5, vòi nhụy có gai.

Quả bế, màu đen, đầu có mào lông trắng. Toàn thân có nhựa mủ màu trắng. Mùa hoa quả từ tháng 6 - 9.

─────

BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN

- Bồ công anh chứa protid (3,4%), glucid (1,1%), chất xơ, caroten, vitamin c, chất đắng là lactucin, taraxasterol, p-amyrin.

- Cả cây bồ công anh được thu hái làm thuốc, thường thu vào đầu mùa hạ, lúc cây chưa có hoa. Đem về, cắt bỏ rễ, rửa sạch, để tươi hoặc phơi, sấy khô.

Bồ công anh đã được nghiên cứu dược lý thấy thể hiện rõ tác dụng tiêu độc, chống viêm và an thần.

 

Lá cây bồ công anh

Lá cây bồ công anh có xẻ thùy sâu

─────

CÁC BÀI THUỐC DÙNG CÂY BỒ CÔNG ANH

Theo YHCT đánh giá, bồ công anh có vị đắng, hơi ngọt, tính mát, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm chữa các chứng mụn nhọt, sưng vú, áp xe, đầu đinh, bắp chuối, chốc lở, rôm sẩy, đau dạ dày.

Liều dùng hàng ngày: 20 - 30g lá tươi, rửa sạch, giã nát, thêm nước và ít muối, gạn uống. Hoặc 10 - 15g lá phơi khô, sắc uống.

Có thể nấu cao lỏng bồ công anh với tỷ lệ 1/10 (dược liệu/ nước) để dùng dần.

1. Chữa sưng vú:

Bồ công anh 30g, lá mua non 20g; kim ngân hoa 10g, rễ đơn châu chấu 10g, rễ cây trôm mỗi vị 10g. Tất cả để tươi, giã nát, trộn với ít nước vo gạo, đắp băng. Ngày làm một lần.

Hoặc bồ công anh 30g; sài hồ 12g, thiên hoa phấn mỗi vị 12g; quả dành dành, sinh địa mỗi vị 10g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm hai lần trong ngày.

công dụng cây bồ công anh việt nam

2. Chữa nhọt, làm nhọt chóng mưng và vỡ mủ:

Bồ công anh, phối hợp vối lá na, lá ớt, lá đại bi, lá táo: Tất cả để tươi, mỗi thứ một nắm nhỏ (khoảng 30g) rửa sạch, giã với ít muối, đắp và băng.

Hoặc bồ công anh 30g, măng tre mói nhú 20g, gừng 5g. Sắc uống làm hai lần trong ngày. Đồng thời, lấy một khúc cành xương rồng bà có gai dài khoảng 10cm, nướng chín, giã với lá ớt, lá mồng tơi (một dúm mỗi thứ), đắp lên vết thương.

3. Chữa sưng tấy, mụn nhọt, lở ngứa:

Bồ công anh 20g; sài đất, quả ké đầu ngựa, kim ngân hoa mỗi vị 10g; cam thảo đất 5g.

Tất cả phơi khô, giã nhỏ, hãm với nước sôi, uống trong ngày. 

4. Chữa đau dạ dày: 

- Lá bồ công anh khô 20g; lá khôi 15g; lá khổ sâm 10g; thêm 300 ml nước.

- Đun sôi trong vòng 15 phút, thêm ít đường vào, rồi chia 3 lần uống trong ngày.

- Uống liên tục trong vòng 10 ngày, sau đó nghỉ 3 ngày rồi uống tiếp cho đến khi khỏi.

Tùy vào kinh nghiệm của từng vị lương y mà có thể kết hợp cây bồ công anh với các cây thuốc khác như: nghệ vàng, dạ cẩm, khổ sâm, khôi tía... Những ai dùng bồ công anh trong các bài thuốc chữa đau dạ dày đều trồng cây bồ công anh ở vườn nhà để chủ động nguồn nguyên liệu và tránh bị nhiễm chất bảo vệ thực vật.

Xem thêm:  Thảo dược trị đau dạ dày, hành tá tràng

─────

Trên thực tế, bồ công anh được dùng để chỉ ít nhất 3 loại cây khác nhau:

- Bồ công anh Việt Nam (Tên khoa học: Lactuca indica L), phổ biến ở miền Bắc và bắc Trung bộ, còn gọi là rau bồ cóc, diếp dại, mũi mác, diếp trời, mũi cày.

- Bồ công anh Trung Quốc (Tên khoa học: Taraxacum offĩcinale Wigg) là loại cây được ghi trong các sách Trung Quốc.

- Cây chỉ thiên  (Tên khoa học: Clerodendrom inducum (L.)) được nhân dân một số vùng ở miền Nam gọi là bồ công anh, và dùng như bồ công anh Trung Quốc.

Bạn đã nhận biết được cây bồ công anh Việt Nam chưa? Hãy theo dõi video dưới đây của chúng tôi và đừng quên chia sẻ bài viết này cho nhiều người cùng biết nhé. Cảm ơn bạn!

 

Ý kiến bạn đọc