Mần tưới, cây thuốc tốt cho kinh nguyệt phụ nữ

29/12/2019, 21:02 PM
  • Chia sẻ
  • zalo

Mần tưới có vị đắng, cay, tính ấm, mùi thơm đặc biệt, quy vào 2 kinh: can, tì, có tác dụng hoạt huyết, phá ứ huyết, thông kinh lợi tiểu. Dùng chữa phụ nữ rong kinh, kinh nguyệt không đều, sau sinh kém ăn, mệt mỏi, mất ngủ; giảm sưng đau do mụn nhọt và có tác dụng xua đuổi muỗi, dĩn, rệt gà, bọ chó hiệu quả.

─────

A. TÊN GỌI

- Tên thường dùng: Mần tưới

- Tên khác: Hương thảo, Bội lan, Trạch lan, Co phất phứ (Thái).

- Tên khoa học: Eupatorium fortunei Turez

- Họ khoa học: thuộc họ Cúc - Asteraceae.

─────

B. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN

Mần tưới thuộc dạng cây thảo sống nhiều năm, chiều cao của cây chừng trên 30cm. Thân màu tím, có lông tơ. Lá mọc đối, hình mũi mác, mép có răng đều, nhẵn và có nhiều tuyến trên cả hai mặt, gân lá hình lông chim, nhấm lá có vị đắng và mùi thơm. Cụm hoa màu tím, ngù kép ở ngọn nhiều đầu hoa, các cuống hoa bao phủ lông ngắn dày đặc, các lá bắc tròn tù. Quả bế, màu đen đen, có 5 cạnh.

Hoa tháng 7-11 quả tháng 9-12.

Hoa cây mần tưới

─────

C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Toàn cây - Herba Eupatorii (thường gọi là Bội lan) đều có thể dùng làm thuốc.

Toàn cây chứa nhiều tinh dầu thơm, trong đó chủ yếu có p-cymene, methyl thymol ether neryl aceatate, lindelofine, O-coumaric acid, taraxasteryl palmitate.

─────

D. TÍNH VỊ VÀ TÁC DỤNG

Mần tưới có vị đắng, cay, tính ấm, mùi thơm đặc biệt, quy vào 2 kinh: can, tì, có tác dụng hoạt huyết, phá ứ huyết, thông kinh lợi tiểu. Dùng chữa phụ nữ rong kinh, kinh nguyệt không đều, sau sinh kém ăn, mệt mỏi, mất ngủ; giảm sưng đau do mụn nhọt và có tác dụng xua đuổi muỗi, dĩn, rệt gà, bọ chó hiệu quả.

 

Lá cây mần tưới

─────

E. CÁC BÀI THUỐC DÙNG CÂY MẦN TƯỚI

1. Chữa các chứng bệnh của phụ nữ:

1.1. Rong kinh:

Lá cây mần tưới (20g), chỉ thiên, mã đề, ké hoa vàng, mỗi vị (15g), thái nhỏ sao vàng sắc với 3 bát nước còn 1 bát, chia uống 2 lần/ngày.

Dùng liên tục từ 5 - 7ngày.

1.2 Kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh:

Mần tưới, hương phụ, ích mẫu, cỏ mực, ngải cứu mỗi vị 20g, tán nhỏ, rây thành bột mịn, trộn với bột gạo và đường kính (nấu thành sirô), làm thành viên bằng hạt lạc.

Ngày uống 1 lần trước khi đi ngủ, mỗi lần dùng từ 15 - 20 viên. Dùng trong 10 - 15 ngày liền.

Cây mần tưới được trồng tại vườn thuốc Nam

1.3 Phụ nữ sau sinh bị kém ăn, mệt mỏi, mất ngủ:

Mần tưới (20g), mạch môn (20g), ngải cứu (10g), nhân trần (6g), rẻ quạt (4g), vỏ quả bưởi đào khô (4g), sắc uống ngày 1 thang. Dùng trong 10 ngày liền.

2. Giải nhiệt, tiêu hóa tốt:

Mần tưới 20g (nên hái trước khi cây có hoa, thái nhỏ rồi sấy khô) hãm với nước đun sôi hoặc sắc với 300ml nước còn 100ml, uống hàng ngày.

3. Giải cảm do nắng nóng:

Lá non mần tưới 100g, nấu canh ăn trong ngày. Nên ăn khi canh còn nóng. Dùng trong 3 ngày.

4. Đắp chỗ sưng tấy, mụn nhọt chưa có mủ, chấn thương bầm dập:

Mần tưới lá tươi 1 nắm (40g) giã nát với muối đắp chỗ đau ngày 1 – 2 lần.

5. Giảm sưng đau do mụn nhọt (mụn nhọt chưa mưng mủ):

Lá mần tưới tươi 50g, rửa sạch, giã nát đắp nơi có mụn nhọt. Ngày đắp 2 lần vào buổi sáng và tối, mỗi lần 10-15 phút.

Bài thuốc này giúp giảm sưng, đau do mụn nhọt nhanh chóng.

6. Giúp sạch gàu:

Mần tưới tươi 25g, bồ kết (3-5 quả) đốt cháy, lá bưởi 20g đun lấy nước gội đầu. Mỗi tuần nên gội 2 lần. Xua đuổi muỗi và dĩn: Lá mần tưới tươi 20g, rửa sạch, giã nát cho vào túi vải xát trực tiếp và tay, chân có hiệu quả tốt trong vòng 2-3 tiếng.

Video giới thiệu về cây mần tưới:

F. THAM KHẢO THÊM

Chú ý: Phụ nữ đang mang thai dùng cây này cần cẩn trọng và phải được sự đồng ý của các bác sĩ chuyên khoa.

Ngoài công dụng dùng làm thuốc ra, mần tưới còn được sử dụng theo kinh nghiệm trong nhân dân:

- Trị bọ gà, bọ chó, chấy, rệp: Lấy lá lót dưới ổ gà, ổ chó, giường nằm...

- Dùng làm rau ăn: Ăn sống hay nấu canh, có nơi cho vào dồi lợn...

- Dùng để gội đầu cho sạch tóc.

 

Ý kiến bạn đọc