Chìa vôi chữa xương khớp, rắn cắn

23/11/2019, 23:23 PM
  • Chia sẻ
  • zalo

Dây chìa vôi là cây thuốc quý dùng để chữa đau nhức xương khớp, chấn thương phù nề, rắn cắn, cây thường mọc hoang hoặc cũng được trồng ở khắp các nơi từ Bắc chí Nam.

─────

A. TÊN GỌI

- Tên khoa học: Cissus modeccoides Planch

- Tên thường dùng: Dây chìa vôi

- Tên khác: Bạch phấn đằng, bạch liễm, đau xương.

- Họ khoa học: Thuộc họ Nho Vitaceae

─────

B. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN

Tên chìa vôi là xuất phát từ lớp phấn trắn trên thân cây, thân cây cũng to bằng cái đũa vôi trầu của các cụ ngày xưa, nên thường được gọi là cây chìa vôi. Tên bạch phấn đằng là âm Hán - Việt (Bạch là trắng, đằng là dây. Chỉ 1 loài cây dạng dây có phấn trắng).

Chìa vôi là cây dây leo từ 3 - 6m, thường leo lên những cây khác trong rừng, cây ưa ánh sáng, mọc hoang ở khắp nơi, đôi khi được trồng để lấy thuốc hay học tập và nghiên cứu. Cành gần hình trụ, đôi khi hơi đỏ, màu nhạt hay xanh nước biển, to bằng đầu đũa ăn cơm. Thân cây có khía và đặc điểm nổi bật là có nhiều phấn trắng như vôi trên dây. Tua cuốn đơn, hình sợi chỉ. Lá đơn, 5 - 7 thùy chân vịt, hình tim ở gốc nhưng hẹp dần trên cuống, những cái trên gần nguyên, hình mũi mác; răng rất nhỏ, nom như những cái lông, hướng về ngọn, 5 - 7 gân gốc, tạo thành gân giữa của mỗi thùy; mỗi cái mang 8 - 10 đôi gân bên, tất cả hơi trắng ở mặt dưới; gân con không rõ rệt, thành mạng lưới nhỏ; cuống lá dày ở phía gốc; lá kèm thuôn, hình tim ở gốc, tù ở ngọn, thắt lại ở quãng giữa, rụng khá sớm.

 

Lá dây chìa vôi

Trong tự nhiên cũng có dây chìa vôi có lá hình tim, vẫn dùng làm thuốc được.

Cụm hoa đối diện với các lá thành ngù, ngắn hơn các lá, có cuống; lá bắc thuôn; giống như lá kèm, rụng rất sớm; cuống hoa nhẵn; nụ hoa hình trứng. Đài hình chén, rất nhẵn, 4 cánh hoa màu hơi vàng, dài 2mm, 4 nhị; chỉ nhị bằng đầu nhụy; bao phấn tròn; trung đới không có bướu ở mặt trong. Đĩa dày, khía tai bèo, có 4 thùy ngăn cách nhau bởi những rãnh. Bầu nhẵn; noãn kết liễu bởi một phần phụ hình sợi chỉ thuộc về lỗ noãn, rất dài và cong queo. Quả nang tròn, 5 - 6mm, khi chín màu đen.

Bộ phận rễ phình thành dạng rễ củ nằm sâu dưới đất. Khả năng tái sinh cây con từ hạt tốt. Có thể gieo trồng bằng hạt hoặc bằng các củ con, nhưng thường người ta cắt dây già dâm xuống đất như dây khoai lang vẫn thấy sống thành cây con được.

 

Trên dây chìa vôi có rất nhiều phấn trắng

─────

C. TÍNH VỊ VÀ CÔNG DỤNG

Đông y đánh giá chìa vôi có vị đắng nhẹ, chua, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tán kết, hành huyết, được dùng trong các bài thuốc chữa đau nhức xương khớp, chấn thương cơ, tụ máu, sưng nề, trị rắn độc cắn...

─────

D. CÁC BÀI THUỐC TỪ CHÌA VÔI

1. Thoái hóa cột sống:

Dây chìa vôi 50g, ngưu tất 40g, đương quy, cẩu tích mỗi vị 20g, xuyên khung 10g. Tất cả các vị thuốc ngâm trong 1 lít rượu trắng sau 1 tuần là dùng được, mỗi ngày uống, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 chén nhỏ (khoảng 20ml).

2. Đau nhức xương:

- Chìa vôi.......20g,

- Rễ lá lốt.......15g,

Sắc với nước 500ml, sắc nhỏ lửa còn 250ml, chia 3 lần uống trong ngày.

3. Chữa bong gân, chấn thương sưng nề, tụ máu:

Lá chìa vôi, lá thầu dầu tía, lấy 2 thứ bằng nhau; giã nát, trộn với giấm hoặc rượu, sao nóng, đắp và bó vào chỗ chấn thương, ngày thay thuốc 1-2 lần.

4. Chữa phong thấp, cơ xương đau nhức:

- Dây chìa vôi..........20g,

- Dây đau xương......15g,

- Lá lốt (thân + rễ)....15g;

Sao vàng, hạ thổ, sắc nước uống trong ngày.

5. Trị áp se, sưng đau:

Kết hợp lá chìa vôi, rau răm, lá xích đồng nam (mò hoa đỏ), lá bỏng để trị áp se, sưng đau. Xem cách làm tại video dưới đây:

5. Thoát vị đĩa đệm:

Dây chìa vôi 40g, lá lốt, cỏ xước, cây tầm gửi, cây dền gai mỗi loại 20g.

Sắc với 1,5lit nước, ngày 1 thang uống trong ngày.

6. Trị thấp khớp:

- Chìa vôi, lá lốt, ké đầu ngựa, lá gai, ngưu tất, đương quy mỗi vị đều 20g.

- Sắc với 2 bát nước thật nhỏ lửa trong 15', uống hết lần 1 cho thêm nước sắc rồi uống lần 2. 

Ngày 1 thang uống 2 lần, 20 ngày 1 liệu trình.

7. Mụn ổ gà ở nách (viêm nang lông kèm theo viêm tuyến hôi):

Dùng lá chìa vôi tươi, giã nát cùng với lòng trắng trứng gà; đắp lên nhọt, dùng băng cố định lại, ngày thay thuốc 1 lần.

8. Chai chân mắt cá:

Lá chìa vôi tươi giã nát cùng với 1/3 râu tôm sống; đắp vào chỗ bị bệnh, dùng băng cố định, ngày thay thuốc 1 lần.

9. Trị rắn rết cắn:

Giã lá chìa vôi tươi với muối, nhai nuốt dần nước, bã đắp lên vết thương.

10. Ung nhọt sưng tấy, viêm lở da:

Dùng lá chìa vôi tươi, giã đắp;

Kết hợp với bài thuốc: thổ phục linh 20g, kim ngân hoa, bồ công anh mỗi vị 10g; sắc nước uống trong ngày.

─────

E. ​VIDEO GIỚI THIỆU VỀ CÂY CHÌA VÔI

─────

F. THAM KHẢO THÊM

1. Thành phần hoá học:

- Trong thành phần của cây chìa vôi có chứa hợp chất  saponin, phenolic, acid amin và acid hữu cơ.

- Ngọn và lá có glucid 5,4%, protid 1,4%, xơ 1,1%, caroten 1,5 mg%, vitamin C 45mg%, tro 0,8%.  

2. Tác dụng dược lý:

- Cho chuột được tiêm liều độc nọc rắn hổ mang uống nước dây chìa vôi sẽ nâng cao tỷ lệ chuột sống và kéo dài thời gian cầm cự của chuột đối với liều độc nọc rắn hổ mang so với chuột ở lô đối chứng tiêm nọc rắn không uống dây chìa vôi. Chìa vôi có tác dụng lợi tiểu.

- Điều trị sỏi niệu quản gồm dây chìa vôi, kim tiền thảo cùng một số dược liệu khác, trên những bệnh nhân có sỏi với đường kính không lớn quá 0,5cm, chức năng thận còn tốt… hoặc chỉ giảm nhẹ. Kết quả điều trị có 57% số bệnh nhân đạt mức khá, 17% bệnh nhân đạt mức trung bình,
26% bệnh nhân mức kém. Trong số 51 bệnh nhân đạt kết quả khá, có 38 bệnh nhân đái ra sỏi, 13 bệnh nhân mất hình cản quang trên phim chụp tia X, nhưng không có cảm giác đái ra sỏi rõ rệt. Ca đái ra sỏi sớm nhất sau 6 tháng và chậm nhất sau 42 tháng. Sỏi đái ra đều là sỏi cản quang (calci oxalat và carbonat).

Trên đây là những thông tin về cây chìa vôi cùng những bài thuốc trong dân gian cho hiệu quả trị bệnh rất tốt. Các bạn có những thắc mắc cần được giải đáp hãy vào mục ➠ CÔNG ĐỒNG YÊU THẢO DƯỢC để đặt câu hỏi cho chúng tôi, chúng tôi sẽ phản hồi lại trong thời gian sớm nhất.

Nếu thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho người thân, bạn bè cùng tham khảo các bạn nhé!

➠ TRA CỨU DƯỢC LIỆU

 

 

Ý kiến bạn đọc