Thiên niên kiện cây thuốc giúp khỏe gân cốt

04/12/2019, 20:41 PM
  • Chia sẻ
  • zalo

Gọi là thiên niên kiện vì nguời ta cho rằng đây là cây thuốc giúp người uống sẽ khỏe mạnh nghìn năm (thiên là nghìn, niên là năm, kiện là khoẻ mạnh).

─────

GIỚI THIỆU VỀ CÂY THIÊN NIÊN KIỆN

- Tên khoa học: Homalomena occulta (Lour.) Schott

- Tên khác: Sơn thục, Ráy hương, Vắt vẻo, Bao kim, Sơn phục, Thần phục, Vạt hương (Tày), Hia hẩu ton (Dao), Duyên (Bana)

- Tên tiếng Trung: 天 年 健

- Họ khoa học: Thuộc họ Ráy (Araceae)

 

─────

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN

Thiên niên kiện là cây thảo sống lâu năm ở những nơi ẩm thấp, dưới tán cây trong rừng, cây có thân rễ mập, bò dài, có tinh dầu rất thơm (thường những cây họ ráy không có mùi thơm ở củ), khi bẻ ngang có xơ như kim. Lá mọc so le, có cuống dài từ 18 đến 25cm, mọc ra từ thân rễ, phiến lá nguyên, sáng bóng, dài tới 30cm, có 3 cặp gân gốc, 7-9 cặp gân phụ xòe sang 2 bên rất đẹp, đặc điểm này giúp ta phân biệt thiên niên kiện với nhiều loài cây thuộc họ ráy khác. Cụm hoa là những bông mo, có mo màu xanh, dài 4-6cm, không rụng; buồng 3-4cm, ngắn hơn mo; bầu chứa nhiều noãn. Quả mọng thuôn, chứa nhiều hạt có rạch.

Mùa ra hoa từ 4-6, quả 8-10. 

─────

BỘ PHẬN DÙNG

Thân rễ - Rhizoma Homalomenae, thường gọi là Thiên niên kiện.

Trong thân rễ có khoảng 0,8-1% tinh dầu tính theo rễ khô kiệt. Tinh dầu màu vàng nhạt, mùi thơm dễ chịu có khoảng 40% l-linalol, một ít terpineol và chừng 2% este tính theo linalyl acetat. Ngoài ra còn có sabinen, limonen, a-terpinen, acetaldehyt, aldehyd propionic.

 

Lá cây thiên niên kiện nhẵn bóng

─────

CÁC BÀI THUỐC TỪ THIÊN NIÊN KIỆN

Vị thuốc thiên niên kiện (sơn thục) có vị đắng, cay và tính ấm, quy vào 2 kinh: can và thận, công dụng trừ phong thấp, khoẻ gân, cốt. Sau đây là những bài thuốc tiêu biểu dùng đến vị thuốc từ thiên niên kiện:

1. Chữa thấp khớp, đau nhức xương:

Bài 1: Sơn thục 12g, Rễ cỏ xước 40g, Hy thiêm 28g, Thổ phục linh 18g, Cỏ nhọ nồi 16g, Ngải cứu 12g, Thương nhĩ tử (sao vàng) 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: Sơn thục 10g, Hy thiêm 20g, Mộc qua 15g, Ngưu tất 5g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 3: Sơn thục, Ngũ gia bì, Hà thủ ô trắng, Kê huyết đằng mỗi thứ 50g ngâm rượu cùng rắn hổ mang, rắn ráo, rắn cạp nong, sau 3 tháng thì uống theo bữa cơm mỗi lần 1 chén nhỏ.

Bài 4: Thiên niên kiện, Dây chiều (Tetracera scandens (L.) Merr), Đỗ trọng, Thổ phục linh, Kê huyết đằng, Tang ký sinh, Đan sâm, Thục địa, Xích thược, Độc hoạt, Khương hoạt mỗi vị 12g; Đảng sâm 20g, Hoài sơn 16g, Ngưu tất 10g, Nhục quế 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

 

Bao hoa cây thiên niên kiện

Bài 5: Sơn thục 12g, Tắc kè đá 10g, Bạch chỉ 8g. Sắc uống.

Bài 6: Sơn thục 12g, Rễ bưởi bung 10g, Quả dành dành 8g. Sắc hoặc ngâm rượu uống.

Bài 7: Thiên niên kiện, Ké đầu ngựa, Kim ngân, Cỏ xước, Cây xấu hổ, Cà gai leo, Thổ phục linh, Hy thiêm, Dây đau xương.

Các vị lượng bằng nhau, rửa sạch, đun kỹ, cứ 1kg thuốc khô sắc lấy 1 lít nước thuốc, chế thành rượu thuốc hoặc si-rô để uống.

2. Cao bồi bổ kiện phong thấp:

- Xương trâu 1kg      - Thiên niên kiện 1kg

- Địa liền 0.5kg           - Hy thiêm 3kg

-  Ngải diệp 2kg

Chủ trị ăn ngon, ngủ khỏe, lên cân, mát ruột, bồi bổ.

Thuốc không phản ứng, khẩu vị thơm ngon béo được đa số người dùng ưa thích.

3. Cao Hy thiêm, thiên niên kiện

Thuốc nước, lọ 250ml (rượu 20°)

- Hy thiêm 1kg     - Thiên niên kiện 50g

- Đường, rượu, nước cất vừa đủ 1lít

Chữa thấp khớp cấp tính, phát sốt, tê bại đau lưng, mỏi gối. Trung bình người lớn, mỗi ngày uống 1-3 lần, mỗi lần 15-20ml, uống trước bữa ăn hay tối trước khi đi ngủ.

Phụ nữ có thai và trẻ dưới 15 tuổi không được dùng.

4. Cao hoạt huyết trừ thấp

* Chủ trị: Chữa đau nhức, tê buốt các khớp xương.

- Thiên niên kiện 1 kg    - Đường kính 2,5 kg

- Huyết giác 1 kg      - Rễ cỏ xước 1 kg

- Thổ phục linh 2 kg - Cốt toái 1 kg

- Hà thủ ô 1,5 kg      - Hy thiêm 1 kg

- Dây đau xương 100g   - cồn 50° 3,5 lít

Các vị thuốc đều ở dạng khô.

* Cách chế và bảo quản: Thiên niên kiện rửa sạch thái mỏng ngâm với 3,5 lít cồn 50° ngâm trong 7 ngày, mỗi ngày quậy 2 lần. Các vị còn lại đều rửa sạch, cho vào thùng đổ nước ngập 10 cm đun sôi liền trong 6 giờ, vớt bỏ bã, lọc trong, cho đường vào cô cho đến khi còn 7 lít, rồi cho cồn đã ngâm với Thiên niên kiện vào đủ 10 lít (nếu thiếu thêm nước cất) đóng chai.

* Liều lượng và cách dùng:

- Trẻ em 10 - 15 tuổi: mỗi lần uống 15ml (1 muỗng canh).

- Người lớn: mỗi lần uống 30ml (2 muỗng canh), ngày 2 lần.

* Kiêng kỵ: Các chất tanh mỡ.

5. Chữa đau bụng kinh: 

Thiên niên kiện, Rễ bướm bạc, Rễ bưởi bung, Rễ sim rừng, Gỗ vang. Các vị thuốc lượng bằng nhau. Sắc nước uống, ngày 1 thang.

6. Chữa dị ứng, mẩn ngứa, lở sơn:

Thiên niên kiện, Gừng, Sả. Mỗi vị 10g, sắc nước uống trong ngày.

Kiêng kỵ:

Người âm hư nội nhiệt, táo bón, nhức đầu không nên dùng.

─────

THAM KHẢO THÊM

1. Cách bào chế:

- Trung YLấy rễ đã chế khô mài với rượu mà uống, hoặc mài với nước thuốc chứ không nên sắc, bay mất mùi thơm.

- Kinh nghiệm nước ta: Rửa sạch, ủ kín cho mềm, thái lát phơi râm hoặc sấy nhẹ lửa cho khô. Khi dùng thì lấy thứ lát khô ngâm rượu uống hoặc xoa bóp, hoặc phối hợp với thuốc khác tán bột làm hoàn. Cũng có thể dùng tươi giã nát, sao nóng bóp vào chỗ đau nhức.

2. Cách bảo quản:

Do được chế biến bằng phương pháp phơi khô, cây có chứa nhiều tinh dầu nên rất dễ bị ẩm mốc, bởi vậy khi dùng phải bảo quản thật kỹ.

Lưu ý: để nơi khô ráo, mát, tránh ẩm nóng, để giữ tinh dầu. Dùng xong phải bao gói kín.

Hiện nay, thiên niên kiện còn được trồng đại trà, ngoài sản xuất dược phẩm, người ta còn lấy tinh dầu để dùng trong ngành công nghiệp kỹ nghệ, nước hoa, mỹ phẩm.

Thiên niên kiện là vị thuốc được danh y Triệu Học Mẫn (1719-1805) ghi nhận đầu tiên ở Trung Quốc trong sách Bản thảo cương mục thập di biên soạn năm 1803. Trong khi đó, Thiền sư Tuệ Tĩnh trong Nam dược thần hiệu (quyển 10, chương 1, tiết 3) có ghi nhận một bài thuốc kinh nghiệm rất hay: dùng Thiên niên kiện và hạt Gấc mài với rượu ngon phết lên nhọt độc chạy chỗ này sang chỗ khác.

Trong Hồng Nghĩa giác tư y thư cũng của Tuệ Tĩnh, do Y viện triều Lê Dụ Tông khắc in năm 1723, thì ghi nhận vị thuốc này dưới các tên Ráy xước hay Sơn phục:  “cây Ráy xước người rằng Sơn phục” (Nam dược quốc âm phú).  Một số địa phương như Quảng Nam ngày nay vẫn gọi tên Sơn phục, Thần phục hay Tầm phục cho các loài Thiên niên kiện.

Ở Vân Nam (Trung Quốc), thân rễ Thiên niên kiện được dùng trị đòn ngã tổn thương, ngoại thương xuất huyết, gãy xương, tứ chi tê bại, đau - viêm dạ dày và ruột, gân mạch khó co duỗi, phong thấp đau lưng đùi, loại phong thấp đau nhức khớp xương.

Ý kiến bạn đọc