Cỏ xước (Ngưu tất nam) trị bệnh gan, thận, xương khớp

02/08/2020, 15:25 PM
  • Chia sẻ
  • zalo

Cỏ xước còn được biết đến với tên gọi Ngưu tất nam, dược liệu có vị đắng, chua, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu được dùng trong các bài thuốc chữa gan, thận và xương khớp.

────────

TÌM HIỂU VỀ CÂY CỎ XƯỚC

Tên gọi khác của Cỏ xước: Ngưu tất nam, Nhả khoanh ngù (Tày), Thín hồng mía (Dao), Co nhả lìn ngù (Thái). Tên khoa học là Achysanthes aspera L. - A. aspera var. rubro - fusca Wight, thuộc họ Amaranthaceae

1. Đặc điểm tự nhiên

Cỏ xước là cây mọc hoang ở nhiều nơi, trên đường, bãi nương, đồi cỏ, nay cũng được trồng để làm thuốc. Là dạng cây thảo sống hằng năm hay hai năm, chiều cao trên dưới 1m. Lá mọc đối, mép lượn sóng, không răng cưa, cuống lá và thân có sắc tố tím. Rễ nhỏ, cong queo, bé dần từ cổ rễ đến chóp rễ, dài 10-15cm, đường kính 2-5mm. Hoa nhiều, mọc thành bông dài 20-30cm ở ngọn cây. Quả nang, có lá bắc tồn tại thành gai nhọn. Hạt hình trứng dài.

- Ra hoa vào mùa hè.

2. Thu hái, chế biến

Cỏ xước được thu hái quanh năm chủ yếu vào mùa hè thu, rửa sạch, thái nhỏ, dùng tươi hay phơi khô dùng dần. Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây (thân, lá, rễ), nhưng rễ được dùng nhiều hơn.

Cây cỏ xước chưa ra hoa

Cây cỏ xước chưa ra hoa

3. Thành phần hóa học:

Các thành phần chính có trong cỏ xước:

- Nước 81,9%; protid 3,7%; glucid 9,2%; xơ 2,9%; tro 2,3%; caroten 2,6%; vitamin C 2,0%.

- Trong rễ có acid oleanolic (sapogenin).

- Hạt chứa hentriacontane và saponin 2%, acid oleanolic, saponin oligosaccharide, acid oleanolic 1,1%.

────────

TÁC DỤNG CHỮA BỆNH CỦA CỎ XƯỚC

Y học cổ truyền đánh giá, cỏ xước (ngưu tất nam) có vị đắng, chua, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu.

Người ta đã biết là chất saponin trong rễ có tác dụng phá huyết và làm vón albumin. Cỏ xước còn có tác dụng chống viêm tốt ở cả giai đoạn mạn tính và cấp tính. Ở Ấn Ðộ người ta cho rằng cây có tính lọc máu, lợi tiểu, nước sắc rễ làm săn da, hạt gây nôn.

Dưới đây là những bài thuốc có vị thuốc ngưu tất nam:

1. Chứng gan nóng:

Đâm cỏ xước (Ngưu tất) lá còn tươi pha nước dừa tươi uống.

* Phụ thêm: Trẻ con nóng tim gan, thường la khóc ban đêm, đâm lá cỏ xước cho uống làm mát.

2. Chữa xơ gan cổ trướng:

Kinh nghiệm dân gian dùng Cỏ tranh, cỏ xước, cỏ roi ngựa, mã đề mỗi vị 1 nắm, sắc nước uống trong ngày rất tốt cho bệnh xơ gan cổ trướng.

3. Chữa bệnh sỏi mật (Bài thuốc đã nghiên cứu - Viện Nghiên cứu Đông y)

Kim tiền thảo 30g  - Củ gấu 8g

- Màng trong mề gà 3g      - Hải tảo 4g

- Dái nghệ vàng 4g    - Vẩy tê tê 4g

- Rau má tươi 30g    - Rễ cỏ xước   20g

- Hoạt thạch 12g

* Bào chế: Củ gấu, Hoạt thạch tán bột. Các vị khác nấu thành cao đặc, ngào bột làm viên.

* Chủ trị, cách dùng: Chữa bệnh sỏi mật, đau vùng hạ sườn phải, từng cơn lâu khỏi.

Liều kể trên dùng cho người lớn trong 1 ngày, trẻ em tùy tuổi.

* Chú ý: Nên uống kèm khác giờ hoặc cách ngày với bài Lục vị tân phương của cụ Lãn Ông.

4. Chữa kiết ly

Dùng lá cỏ xước giã nhỏ, hòa vào với lòng đỏ trứng gà đem hấp chín cho ăn, ăn 5 lần sẽ khỏi.

5. Chữa đau dạ dày

- Lá dung (hoa trắng)       - Lá dạ cẩm

- Cỏ xước                          - Lá thủ ô trắng

Mỗi thứ 1 nắm sắc uống trong ngày.

6. Thấp khớp, đau nhức chân tay

- Cúc tần (dùng cành và lá) 18g sao

- Lá tía tô 8g sao  - Lá và vỏ cây chân chim 18g sao

- Cây gối hạc 16g sao vàng  - Dây đau xương 20g

- Cây lá lốt 16g   - Cỏ xước (rễ) 12g sao qua

- Rễ cây tầm sọng 18g sao vàng

7. Chữa đau khớp:

- Cỏ xước  - Vòi voi - Lá dâu tằm

Lá lốt      - Cây xấu hổ

Mỗi vị 1 mớ bằng nhau, sao nấu uống như uống trà.

8. Chữa phong thấp

- Rễ đơn móng hổ 40g (sao vàng sém)

- Củ Tỳ giải 40g (không sao)

- Rễ cây Uy linh tiên 40g (sao vàng)

- Rễ cỏ xước 15g (sao)

- Nhục quế 5g   - Hà thủ ô đỏ 35g (sao)

Chủ trị phong tê nhức, không đỏ, không sưng, không cử động được, sắc uống.

+ Bệnh nhẹ 3 thang khỏi

+ Bệnh nặng 5 thang khỏi

(Nếu dùng Hà thỏ ô trắng dễ bị xổ)

Lá cây cỏ xước

Cành lá cây cỏ xước chưa có hoa

9. Chữa đau các khớp xương, đau lưng

Cẩu tích 20g          - Củ cốt khí, tùng tiết mỗi vị 16g

- Rễ cỏ xước, Uy linh tiên, Rễ cây tứ quý, Tang ký sinh mỗi vị 12g

Sắc với 3 bát nước còn 1 bát, chia uống 2 lần trong 1 ngày.

10. Chữa đau gân xương tê bại

- Củ cốt khí (sao rượu), Rễ cây si, Dây đau xương Rễ cỏ xước mỗi vị 40g

-  Vỏ trút (tẩm giấm nướng), kê huyết đằng mỗi vị 16g   - Quế chi 12g

Sắc với 4 bát nước, còn 1/3 cho uống 2 lần trong 1 ngày khi uống cần chiêu với một tí rượu.

11. Chữa bán thân bất toại (tê bại một bên)

Rễ cây Gắm (vương tôn) 80g; Rễ rung rúc (nam đằng), Dây chìa vôi (ngâm với đồng tiện 1 đêm, dùng củ thì ngâm 3 đêm), Rễ bươm bướm (hồ điệp căn), Rễ bưởi bung (cát bối), Rễ cỏ xước (ngưu tất),  Bạch đồng nữ,  Xích đồng nam mỗi vị 40g.

Chú ý:

- Phụ nữ thì dùng bạch đồng nữ, nam giới thì xích đồng nam.

- Huyết kém thì gia Kê huyết đằng, Cốt toái bổ.

- Co gân thì gia cây tầm xuân (tường vi căn) 40g.

- Thấp hàn gia Thiên niên kiện 20g, Quế chi 12g.

* Cách chế biến: Tất cả các vị rửa sạch, phơi khô, thái mỏng, cho dần vào hũ rượu nút kín, bỏ vào nồi nấu cách thủy 1 ngày. Nấu xong, đem ra để nguội, chôn xuống đất ba ngày đêm. Lấy lên cho uống, uống tùy sức, hơi ngà ngà say là thôi.

Hoặc các vị sao vàng hạ thổ, sắc lên chế rượu vào uống cũng được.

12. Chữa sổ mũi, sốt

Dùng Cỏ xước, lá Diễn, xuyến chi, mỗi vị 30g, sắc uống.

13. Chữa quai bị:

Giã rễ Cỏ xước chế nước súc miệng và uống trong, bên ngoài giã lượng vừa đủ đắp.

14. Trúng độc ở khe nước 

Dường như có ai bắn mà không thấy hiện vật, người bị trúng bắt đầu ớn lạnh phát nóng, phiền não, đau xương, nếu không trị ngay thì sinh trùng ăn vào tạng phủ sẽ chết.

Gốc cành cỏ xước (thứ cành lá đỏ tía) 1 nắm, nước và rượu mỗi thứ 1 bát, giã vắt lấy nước cốt, ngày uống 3 lần, sẽ kiến hiệu.

Ngoài ra, dân gian cũng dùng cành lá Cỏ xước cho vào chuồng lợn nái cho lợn sinh đẻ dễ.

Video giới thiệu về cây cỏ xước:

 

────────

Trên đây là đặc điểm tự nhiên và tác dụng chữa bệnh của cây cỏ xước. Nếu thấy hay, hãy chia sẻ bài viết này để nhiều người cùng biết bạn nhé. Cảm ơn bạn!

 

Ý kiến bạn đọc